banner main
Trang chủ- Chữa cháy rừng ở thị xã Sa Pa (Lào Cai): Lực lượng vũ trang phát huy tốt vai trò nòng cốt

Chữa cháy rừng ở thị xã Sa Pa (Lào Cai): Lực lượng vũ trang phát huy tốt vai trò nòng cốt

Cập nhật lần cuối: 23/02/2024

Trong những ngày qua, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ LLVT cùng các lực lượng của tỉnh Lào Cai đã không quản khó khăn, nguy hiểm, nỗ lực khoanh vùng, dập lửa, khống chế các điểm cháy rừng tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên ở thị xã Sa Pa. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với Đại tá Phạm Hùng Hưng, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Lào Cai về công tác chữa cháy rừng.

Phóng viên (PV):  Đề nghị đồng chí cho biết, tình trạng cháy rừng xảy ra trên địa bàn thị xã Sa Pa hiện ra sao? 

Đại tá Phạm Hùng Hưng: Từ ngày 19-2 đến nay, cháy rừng xảy ra tại các thôn Séo Mý Tỷ và Dền Thàng, xã Tả Van; Vạn Dền Sử 1, xã Mường Hoa, thị xã Sa Pa. Đến 7 giờ ngày 22-2, với sự chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo tỉnh cùng sự nỗ lực, cố gắng của cán bộ, chiến sĩ LLVT và các lực lượng tại địa phương, các điểm cháy rừng đã được dập tắt. Lực lượng Quân đội, Công an, Dân quân, Kiểm lâm và người dân vẫn đang triển khai các biện pháp chữa cháy, xử lý dứt điểm các đốm tàn, gốc cây còn cháy âm ỉ nhằm ngăn chặn nguy cơ đám cháy có thể bùng phát trở lại.

PV: Nguyên nhân gây cháy rừng và ước tính thiệt hại ra sao, thưa đồng chí?

Đại tá Phạm Hùng Hưng: Nguyên nhân bước đầu được các cơ quan chức năng xác định có thể do người dân trong quá trình canh tác vô ý gây cháy rừng. Mặt khác, do thảm thực vật tại các khu vực rừng nghèo bị chết khô hàng loạt do đợt rét đậm, rét hại kéo dài, có tuyết rơi vừa qua; gặp thời tiết hanh khô, gió lớn khiến đám cháy nhanh chóng lan rộng, khó xử lý. Theo thống kê sơ bộ, diện tích cháy khoảng 30ha, trong đó có 4ha rừng trồng thay thế năm thứ ba, còn lại là rừng nghèo (chủ yếu cỏ tranh, lau lách, thảm thực bì, chưa có trữ lượng rừng). Cơ quan chức năng đang tiếp tục thống kê, đánh giá thiệt hại.

<a title="Báo Quân đội nhân dân | Tin tức quân đội, quốc phòng | Bảo vệ Tổ quốc" style="text-align:center;" href="https://www.qdnd.vn"><img src="https://file3.qdnd.vn/data/images/0/2021/08/11/linh/bannerv2.png" class="vllogo"></a>Cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh Lào Cai tích cực khoanh vùng, dập lửa cứu rừng. Ảnh: QUANG CHUNG 

PV: Bộ CHQS tỉnh đã phát huy vai trò như thế nào trong công tác chữa cháy rừng, thưa đồng chí?

 Đại tá Phạm Hùng Hưng: Lào Cai là tỉnh miền núi biên giới, địa hình phức tạp, thường xuyên xảy ra thiên tai, lũ ống, lũ quét, cháy rừng... Do đó, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh đặc biệt coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo LLVT tỉnh chủ động lực lượng, phương tiện; tổ chức huấn luyện, luyện tập thuần thục các phương án, sẵn sàng xử lý kịp thời các tình huống, không để bị động, bất ngờ.

Đối với vụ cháy rừng vừa xảy ra, ngay khi nhận được tin báo, Bộ CHQS tỉnh đã chỉ đạo Ban CHQS thị xã Sa Pa kịp thời tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương nhanh chóng huy động lực lượng tại chỗ gồm 360 người khẩn trương cơ động tới hiện trường dập lửa, khoanh vùng, không để cháy lan vào khu rừng già. Trước tình hình đám cháy diễn biến phức tạp, Bộ CHQS tỉnh tham mưu cho địa phương tiếp tục huy động hơn 600 người, gồm lực lượng Quân đội, Công an, Dân quân, Kiểm lâm và người dân địa phương với đầy đủ trang bị, phương tiện tham gia chữa cháy và bảo đảm hậu cần. Đến ngày 22-2, hơn 2.000 người đã được huy động tham gia chữa cháy rừng. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh đều có mặt tại hiện trường trực tiếp chỉ đạo, điều hành công tác chữa cháy và động viên các lực lượng.

PV: Thưa đồng chí, các lực lượng đã phải khắc phục những khó khăn như thế nào để hoàn thành nhiệm vụ chữa cháy rừng tại Sa Pa?

Đại tá Phạm Hùng Hưng: Khó khăn lớn nhất là địa hình bị chia cắt, phức tạp, độ cao lớn (1.900m so với mực nước biển), dốc đứng, đường cơ động nhỏ hẹp, trơn trượt. Để tiếp cận được đám cháy, các lực lượng phải khẩn trương hành quân bộ hàng chục ki-lô-mét, vừa đi vừa phát quang mở đường. Tuy nhiên, cán bộ, chiến sĩ LLVT đa phần là người địa phương, lại được huấn luyện thuần thục nên biết cách di chuyển trong điều kiện địa hình phức tạp. Khó khăn nữa là lửa bốc cao, lan rộng, khói bụi mù mịt, gió liên tục thổi mạnh nên rất khó khoanh vùng.

Trước tình hình đó, ngay khi tiếp cận hiện trường, dưới sự chỉ huy của cán bộ Ban CHQS thị xã Sa Pa; sự chỉ đạo, điều hành trực tiếp của lãnh đạo Bộ CHQS tỉnh, các bộ phận được phân công nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể, khẩn trương chia thành các mũi, các hướng triển khai phát dọn đường băng chia cắt đám cháy với diện tích còn lại; sử dụng máy cắt thực bì, dao phát, dụng cụ dập lửa... nhanh chóng khoanh vùng, không để đám cháy lan rộng.

Cùng với đó, lực lượng cứu hộ, y tế luôn có mặt, sẵn sàng cấp cứu người bị nạn; bộ phận bảo đảm hậu cần sẵn sàng tiếp tế lương thực, nước uống phục vụ lực lượng chữa cháy. Bộ CHQS tỉnh cũng tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh kêu gọi, vận động ủng hộ lương thực, thực phẩm, kịp thời tiếp tế cho các lực lượng chữa cháy. Tính đến 14 giờ ngày 22-2 đã tiếp nhận hơn 200kg thịt lợn, 500 hộp thịt, gần 2 tấn rau, củ, quả các loại cùng nhiều thùng nước, mì ăn liền và hàng chục triệu đồng tiền mặt của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm gửi đến ủng hộ, tiếp sức cho các lực lượng dập lửa cứu rừng.

PV: Từ vụ cháy rừng vừa xảy ra cũng như các vụ trước đó, Bộ CHQS tỉnh Lào Cai rút ra những bài học kinh nghiệm gì trong công tác tham mưu, chỉ đạo ứng phó với các tình huống thiên tai?

Đại tá Phạm Hùng Hưng: Xử trí các tình huống thiên tai, cháy rừng bất ngờ xảy ra cần sự chủ động, linh hoạt, hiệp đồng hết sức chặt chẽ giữa các lực lượng từ trước. Do đó, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh Lào Cai xác định phải không ngừng nâng cao hiệu quả công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp, hiệp đồng, huy động lực lượng, phương tiện tham gia khắc phục hậu quả thiên tai, cháy rừng. Đặc biệt, việc huấn luyện, hiệp đồng diễn tập, luyện tập xử trí các tình huống cần được duy trì thường xuyên, hiệu quả. Qua đó, rút kinh nghiệm, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy, sự phối hợp nhịp nhàng, thuần thục trong xử lý các tình huống, đồng thời góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân và các chủ rừng trong công tác phòng cháy, chữa cháy; chủ động chuẩn bị mọi mặt theo đúng phương châm “4 tại chỗ” trong công tác ứng phó với thiên tai, sự cố.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Sáng 22-2, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao và đoàn công tác Trung ương đã đến thăm, động viên, tặng quà các lực lượng thực hiện nhiệm vụ chữa cháy tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên. Đồng chí Nguyễn Hòa Bình yêu cầu các lực lượng tiếp tục bám sát hiện trường, không chủ quan, lơ là; tăng cường phòng cháy tại các khu vực trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Các cấp chính quyền làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ rừng cho người dân, đồng thời quy hoạch các điểm dân cư, tổ chức sản xuất, bảo đảm sinh kế cho người dân để bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên rừng...


NGUYỄN HỒNG SÁNG (thực hiện)

© ỦY BAN QUỐC GIA ỨNG PHÓ SỰ CỐ THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN


Địa chỉ : Số 6 - đường Sân Gôn - tổ 15 - Phường Phúc Đồng - quận Long Biên - Thành Phố Hà Nội.

Điện thoại: 024 37333664.

Fax: 024 37 33384.

Email: banbientap@tkcn.gov.vn.

Bản quyền thuộc ỦY BAN QUỐC GIA ỨNG PHÓ SỰ CỐ THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông Tin Điện Tử Ủy Ban Quốc Gia Ứng Phó Sự Cố Thiên Tai Và Tìm Kiếm Cứu Nạn" hoặc "www.tkcn.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ các nguồn này.