Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai và TKCN tại Cao Bằng

Cập nhật lần cuối: 6 Tháng Mười, 2022

Sáng 12/7, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai do Đại tá Phạm Hải Châu, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ cứu nạn, Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam làm Trưởng đoàn làm việc với Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự, phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh về công tác PCTT&TKCN năm 2021.

Làm việc với đoàn có đồng chí Nguyễn Trung Thảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực phòng thủ dân sự, PCTT&TKCN tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.

Toàn cảnh buổi làm việc.

Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 1 đợt rét đậm, rét hại trên diện rộng; 8 đợt lốc, mưa lớn gây sạt lở đất làm 1 người bị thương; 435 nhà bị tốc mái; 313,3 ha lúa, hoa màu bị ảnh hưởng; 53 con trâu, bò bị chết rét; 2 phòng học, 3 nhà văn hóa bị tốc mái; nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch bị sạt lở trên 8.400 m3 đất, đá. Tổng giá trị thiệt hại ước đạt trên 7,5 tỷ đồng.

Trước diễn biến phúc tạp của thiên tai, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp đã xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện diễn tập PCTT&TKCN theo phương châm “4 tại chỗ”, chủ động xây dựng các phương án phòng ngừa, sẵn sàng lực lượng khi có sự cố xảy ra. Đề xuất 5 dự án di dân tập trung với tổng kinh phí trên 189 tỷ đồng, đến nay ngân sách Trung ương bố trí cho 3 dự án với tổng kinh phí 30 tỷ đồng. Các cấp tổ chức 82 buổi tập huấn tuyên truyền rủi ro thiên tai, cách phòng tránh cho các thôn, xóm; lắp đặt bổ sung 10 trạm đo mưa tự động vào hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn của tỉnh. Đầu tư các dự án chống sạt lở bờ sông, suối, nâng cấp bảo đảm an toàn các hồ chứa với tổng kinh phí 1.128 tỷ đồng.

Về công tác khắc phục hậu quả thiên tai, tỉnh huy động 2.215 ngày công lao động, 63 triệu đồng từ các tổ chức đoàn thể; sử dụng 30 tỷ đồng nguồn dự phòng ngân sách Trung ương, trên 76 tỷ đồng ngân sách dự phòng địa phương, nguồn tài trợ để khắc phục hậu quả thiên tai. Tiến hành di dời 147 hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ cao về thiên tai.

Tại buổi làm việc, các đại biểu thảo luận về một số khó khăn như: Việc bố trí kinh phí từ nguồn vốn ngân sách địa phương cho các công trình, công tác duy tu, bảo dưỡng các công trình phòng, chống thiên còn hạn hẹp, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế; thiếu quỹ đất thực hiện di dời các hộ dân ra khỏi vùng thiên tai, thiếu kinh phí thực hiện các dự án di dân theo hình thức tái định cư tập trung; việc rà soát, kiểm tra, đánh giá thực trạng công trình phòng, chống thiên tai và những vùng dân cư có nguy cơ cao chưa được thường xuyên, liên tục…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Trung Thảo phát biểu tại buổi làm việc.

Tỉnh kiến nghị: Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương quan tâm, xem xét cấp kinh phí cho tỉnh để đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, báo cáo viên thực hiện Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng quản lý rủi ro thiên tại dựa vào cộng đồng. Cấp kinh phí xây dựng nhà kho để vật chất, trang bị cứu hộ, cứu nạn cho khu vực miền Đông tại Ban Chỉ huy Quân sự huyện Quảng Hòa và khu vực miền Tây tại Ban Chỉ huy Quân sự huyện Bảo Lạc. Cấp vật tư, phương tiện, thiết bị phù hợp với tình hình địa phương. Cấp kinh phí để thực hiện hoàn chỉnh các công trình phòng, chống thiên tai, các dự án di dân ra khỏi vùng nguy cơ cao về sạt lở, lũ ống, lũ quét, các dự án bố trí di dời, ổn định dân cư vùng thiên tai, các dự án kè chống sạt lở bảo vệ bờ sông, suối, đảm bảo an toàn các hồ chứa.

Đại tá Phạm Hải Châu, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ cứu nạn, Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam phát biểu kết luận buổi làm việc.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Đại tá Phạm Hải Châu đề nghị tỉnh tiếp tục quán triệt thực hiện tốt Luật Phòng, chống thiên tai, Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Phát huy cao độ vai trò của các đội xung kích phòng, chống thiên tai các cấp; quản lý và khai thác tốt các công trình phòng, chống thiên tai. Tổ chức hiệp đồng, giao nhiệm vụ cụ thể cho các lực lượng; phát huy vai trò phối hợp của các lực lượng, các sở, ban, ngành, doanh nghiệp với các địa phương trong việc khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố…