Các Phó thủ tướng chỉ đạo công tác phòng, chống bão tại Quảng Ninh và Thanh Hóa

Cập nhật lần cuối: 15 Tháng Mười, 2022

Sáng 19-8, trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo Bộ Quốc phòng, tỉnh Quảng Ninh, đã kiểm tra công tác phòng, chống bão tại thị xã Quảng Yên. Cùng ngày, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cùng đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã về kiểm tra công tác phòng, chống bão tại tỉnh Thanh Hóa.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã đi kiểm tra, thị sát dọc tuyến đê Hà Nam – giáp sông Rút, thuộc địa phận thị xã Quảng Yên. Đây là tuyến đê có chiều dài 36,7km, có nhiệm vụ bảo vệ tính mạng và tài sản cho trên 6 vạn dân sống dưới mực nước biển 2m của 8 xã đảo. Nhiều điểm xung yếu bị xuống cấp, 12km chưa được xây dựng, gia cố đê bao. Nếu nước sông Rút lên cao có thể tràn đê.

Thị xã Quảng Yên huy động lực lượng vũ trang, đoàn thể hỗ trợ thường trực tại đê Hà Nam. Ảnh: TTXVN.

Trên 400 cán bộ, chiến sĩ thuộc các lực lượng đặc công, hải quân, bộ binh đã được huy động, đang tập trung che chắn, gia cố đê tại một số điểm xung yếu bằng bao cát; chuẩn bị sẵn sàng các xe cơ giới, vận chuyển khi cần thiết. Bên cạnh đó, lực lượng bộ đội cũng hỗ trợ kéo chuyển hàng trăm thuyền đánh cá của ngư dân trên sông Rút vào trong đê trú tránh bão an toàn, gia cố tàu thuyền trên các bến neo đậu.

Cập nhật tình hình bão số 3 ngay tại hiện trường, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, sáng 19-8, gió đã giật cấp 9 ở khu vực Tiên Yên và cấp 10 ở khu vực Cửa Ông, mưa to ở nhiều khu vực của tỉnh Quảng Ninh, nước biển dâng cao. Theo dự báo, trong khoảng từ 12 đến 15 giờ, cơn bão sẽ đổ bộ vào khu vực Thái Bình, Nam Định, tuy vậy Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ quán triệt các lực lượng tham gia ứng phó không được chủ quan, vì hoàn lưu của bão có thể làm gia tăng lượng mưa ở Quảng Ninh, gây áp lực lên hệ thống đê của tỉnh.

Phó thủ tướng đề nghị các lực lượng quân đội nâng cao tinh thần sẵn sàng ứng phó, tham gia gia cố đê vững chắc, chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ”, nhất là tại các vị trí xung yếu, có phương án đảm bảo an toàn cho người dân trong khu vực.

Với lực lượng quân đội sẵn sàng ứng trực tại hiện trường, Phó thủ tướng chỉ đạo tỉnh có biện pháp bảo đảm điều kiện ăn ở, giữ sức khỏe cho bộ đội. Để đảm bảo an toàn cho tuyến đê và một số khu vực vùng trũng ở Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh cần lập kế hoạch đề xuất với các bộ, ngành Trung ương về kinh phí hoàn thiện 12km còn lại (dự kiến mức đầu tư 200 tỷ đồng).

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ kiểm tra dự án cầu sông Chanh. Ảnh: TTXVN.

Đoàn công tác phòng, chống lụt bão cũng đã đi kiểm tra việc đảm bảo an toàn các công trình, dự án đang thi công dở dang tại Quảng Ninh. Tại dự án cầu Sông Gianh có chiều dài 1,5km đang trong giai đoạn thi công các nhịp cầu, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Ban quản lý dự án và chính quyền địa phương đảm bảo an toàn cho công nhân lao động; các hạng mục công trình và trang thiết bị xây dựng; đảm bảo ngay sau khi bão chấm dứt có thể triển khai công việc được ngay.

Phó thủ tướng yêu cầu các cấp chính quyền, lực lượng tham gia phòng chống bão của tỉnh Quảng Ninh bám sát tình hình, kịp thời báo cáo tới các cấp có thẩm quyền để xử lý, giải quyết những tình huống phát sinh, nhằm mục tiêu cao nhất đảm bảo an toàn tính mạng người dân, giảm thiểu tối đa thiệt hại vật chất.

* Cùng ngày, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cùng đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã về kiểm tra công tác phòng, chống bão tại tỉnh Thanh Hóa.

Ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Thanh Hóa trong việc chủ động thực hiện các phương án phòng, chống bão số 3, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Mặc dù hơn 10 năm qua, Thanh Hóa không có bão lớn nhưng không vì thế mà tỉnh lơ là, chủ quan trong công tác phòng, chống bão. Tỉnh cần thực hiện nghiêm túc các Công điện chỉ đạo của Trung ương; theo dõi chặt chẽ, diễn biến, hướng đi của bão, thông tin và cảnh bảo kịp thời đến chính quyền địa phương và người dân biết để chủ động triển khai các biện pháp phòng, tránh, ứng phó có hiệu quả, kiên quyết không để xảy ra thiệt hại do chủ quan.

Phó thủ tướng cho rằng, hoàn lưu sau bão rất nguy hiểm, đề nghị tỉnh hướng dẫn người dân chủ động thu hoạch thủy sản đã nuôi; chuẩn bị vật tư, phương tiện để gia cố bờ bao và hệ thống các công trình nuôi thủy sản. Các huyện miền núi chủ động tổ chức di dời các hộ dân đang sống tại các khu vực nguy hiểm, ven sông suối, vùng trũng thấp, các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất để đảm bảo an toàn cho người và tài sản…

Phó thủ tướng cũng yêu cầu các lực lượng Công an, Quân đội tăng cường lực lượng giúp nhân dân chằng chống nhà cửa, di dời tài sản đến nơi an toàn; kiểm soát chặt chẽ và nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi; tuyệt đối không để người dân ở lại trên các thuyền, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản… Nhiệm vụ trọng tâm là bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân…

Báo cáo với Phó thủ tướng về công tác chuẩn bị, triển khai phòng tránh, ứng phó với bão số 3, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: Ngay tối 18-8, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã chủ trì cuộc họp với các thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh và 6 huyện, thị xã ven biển để chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 3, kiên quyết không để xảy ra thiệt hại về người.

Các địa phương tổ chức di dời ngay các hộ dân ở sát mép nước có nguy cơ mất an toàn cao. Các huyện miền núi đã chủ động tổ chức di dời các hộ dân đang sống tại các khu vực nguy hiểm ven sông suối, vùng trũng thấp, các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất.

Về công tác kêu gọi tàu thuyền, Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã ven biển đã thông báo, kêu gọi, tổ chức cho tàu thuyền vào nơi neo đậu, tránh trú bão. Đến nay, các phương tiện tàu thuyền đã vào nơi tránh trú an toàn ở các bến trong và ngoài tỉnh…

Tại buổi làm việc, UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ kinh phí để tu bổ, nâng cấp đê sông, gồm tuyến đê tả hữu sông Chu; đê tả, hữu sông Mã đoạn từ cầu Hoàng Long đi Cảng Hới; đê tả, hữu sông Bạng huyện Tĩnh Gia. Ngoài ra, tỉnh cũng xin kinh phí tu bổ, nâng cấp đê sông Hoàng; đê, kè biển xã Hoằng Trường, Hoằng Hóa; đê kè biển Quảng Thái, Quảng Xương; đê chống sạt lở bờ biển khu vực xã Quảng Nham, huyện quảng Xương…

Cùng ngày, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão, neo đậu tàu thuyền tại huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

TTXVN