Chính phủ triển khai công tác phòng, chống bão số 3

Cập nhật lần cuối: 15 Tháng Mười, 2022

QĐND Online – Sáng 18-8, tại Trụ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với với 28 tỉnh, thành phố nhằm kịp thời ứng phó với cơn bão số 3 đang ngày càng mạnh lên và hướng thẳng vào các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương thông báo, đến 4 giờ sáng nay, vị trí tâm bão số 3 ở trên vùng biển phía Tây Nam tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10, cấp 11. Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 3 di chuyển theo hướng Tây. Đến 4 giờ sáng mai sẽ vào đến vùng biển Vịnh Bắc Bộ. Khi đó, sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão sẽ lên đến cấp 9 cấp 10, giật cấp 11, cấp 13 và còn tiếp tục mạnh thêm. Biển động rất mạnh, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.

Từ chiều nay đến hết ngày 20-8 sẽ xuất hiện mưa lớn trên diện rộng ở toàn khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Lũ sẽ xuất hiện trên hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, sông Hoàng Long, sông Kỳ Cùng, sông Bằng Giang; đỉnh lũ sẽ đạt mức báo động 1 đến báo động 2. Các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An nhiều khả năng sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão với mưa lớn trên diện rộng, đi kèm gió giật mạnh, lũ lớn, lũ ống, lũ quét và sạt lở đất.

 Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng triển khai một số việc cần làm.

Trước tình hình dự báo trên, đại diện các ban, bộ, ngành và địa phương có liên quan đã báo cáo Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng về tình hình đê điều, ngư dân và cùng trao đổi, trình bày các phương án ứng phó nếu bão đổ bộ. Trong đó, lực lượng quân đội, từ bộ đội biên phòng, dân quân tự vệ, đến các đơn vị chủ lực đều đã họp và triển khai sẵn sàng lực lượng, phương tiện để huy động kịp thời ngay khi có tình huống xảy ra.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo, không chỉ riêng các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An, mà tất cả các địa phương, đặc biệt là các tỉnh miền núi Tây Bắc cần sẵn sàng các phương án ứng phó với lũ và sạt lở đất. Những tỉnh đồng bằng cần đặc biệt chú ý thường xuyên theo dõi tình hình các tuyến đê, khẩn trương gia cố đê; lực lượng biên phòng tuyến biển cần nhanh chóng và kiên quyết kêu gọi các tàu thuyền đang đánh bắt xa bờ về nơi trú tránh an toàn. Ngoài ra, các cơ quan truyền thông cần liên tục cập nhật những diễn biến mới nhất về đường đi của bão để kịp thời thông tin đến nhân dân để chủ động ứng phó. Cùng với đó, Phó thủ tướng cũng lưu ý, các ban, bộ, ngành, nhất là lực lượng vũ trang cần phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương chủ động làm tốt công tác phòng, chống bão. Trong đó, quân đội là lực lượng nòng cốt sẵn sàng tham gia các nhiệm vụ khi có tình huống, thực hiện hiệu quả công tác cứu nạn, cứu hộ. Các Bộ, ban, ngành cần chủ động rà soát, làm tốt công tác chuẩn bị chu đáo theo ngành, lĩnh vực mình phụ trách để không bị động, bất ngờ; phát huy hiệu quả các yếu tố tại chỗ với nỗ lực cao nhất, nhằm giảm thiệt hại thấp nhất khi bão đến…