QĐND – Các cơ quan, địa phương, đơn vị trong cả nước đang khẩn trương triển khai các phương án, kế hoạch chủ động phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn (PCTT, TKCN) trước mùa mưa bão năm nay. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã phỏng vấn Thiếu tướng Trương Đức Nghĩa, Cục trưởng Cục Cứu hộ-Cứu nạn (Bộ Tổng tham mưu)-Chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn (UBQG TKCN) về vấn đề này.
Phóng viên (PV): Thời gian qua, thiên tai, sự cố (TTSC) diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn đối với nước ta, đề nghị đồng chí thông tin cụ thể hơn về vấn đề này?
Thiếu tướng Trương Đức Nghĩa: Do tác động của biến đổi khí hậu, năm 2016 tình hình thời tiết, khí hậu, thủy văn trên cả nước có nhiều diễn biến phức tạp, cực đoan và khó lường. So với những năm trước, ngoài các cơn bão, tình trạng mưa lũ kéo dài gây ngập lụt nghiêm trọng ở miền Trung, hạn hán ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, khô hạn, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long… là những diễn biến mới, phức tạp của thời tiết, khiến cho công tác PCTT, TKCN gặp nhiều khó khăn, vất vả và gây nhiều thiệt hại. Số liệu tổng hợp chung trên toàn quốc trong năm 2016 đã xảy ra 2.694 vụ TTSC (không tính tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt), so với cùng kỳ năm trước tăng 183 vụ, tương đương 6,8%.
Thiếu tướng Trương Đức Nghĩa.
Mặc dù chúng ta đã có sự chủ động phòng ngừa, vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, ứng phó kịp thời nhưng hậu quả do TTSC gây ra vẫn rất lớn, với chiều hướng gia tăng. TTSC đã làm 736 người chết, 194 người mất tích, 755 người bị thương, nhấn chìm 281 phương tiện, cháy, hỏng 319 phương tiện, cháy 1.064 nhà xưởng, sập đổ 1.272 nhà, tốc mái hư hỏng, ngập 349.966 nhà khác, cháy 3.374ha rừng, thảm thực vật, hư hại 329.441ha hoa màu… Giá trị tài sản thiệt hại ước tính lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế-xã hội của nhiều địa phương, khu vực.
PV: Chúng ta đã làm gì để giảm bớt thiệt hại về người và tài sản do TT,TN,SC gây ra?
Thiếu tướng Trương Đức Nghĩa: Trước hết phải khẳng định, công tác PCTT, TKCN luôn là nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị đặc biệt quan tâm. Trong năm qua, dưới sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, sự tham mưu, chỉ đạo chủ động, trúng, đúng, kịp thời của UBQG TKCN, sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương, sự tham gia tích cực, có hiệu quả của lực lượng vũ trang và toàn dân, công tác PCTT, TKCN đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần giảm bớt thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân.
UBQG TKCN đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện tốt các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Thường xuyên duy trì nền nếp chế độ trực 24/24 giờ. Phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT ban hành 44 công điện chỉ đạo, triển khai các biện pháp phòng, chống, ứng phó TTSC và TKCN. Trước TTSC đã chủ động tham mưu, đề xuất điều động 197.149 lượt người, 11.445 lượt phương tiện các loại ứng phó với các tình huống. Chúng ta đã cứu được 4.868 người (tăng 20,37%), 289 phương tiện (tăng 9,8%) so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 41 vụ, 189 người,15 phương tiện nước ngoài. Thông báo, kêu gọi, hướng dẫn 571.841 lượt phương tiện, với 1.903.620 lượt người đang hoạt động trên biển tránh trú an toàn và chủ động di dời 29.335 đến nơi an toàn. Đặc biệt, để giúp nhân dân ứng phó mưa lũ, hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt,… các cơ quan, đơn vị, địa phương đã có nhiều biện pháp, cách làm cụ thể, kịp thời hỗ trợ, giúp nhân dân vượt qua khó khăn, ổn định đời sống, sản xuất.
PV: Đồng chí đánh giá thế nào về vai trò của quân đội trong nhiệm vụ quan trọng này?
Thiếu tướng Trương Đức Nghĩa: Nhận thức rõ vai trò lực lượng chủ lực trong công tác PCTT, TKCN, toàn quân luôn duy trì nghiêm nền nếp trực cứu hộ, cứu nạn ở các cấp và chủ động, sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó kịp thời, bảo đảm ở đâu có TTSC là ở đó có cán bộ, chiến sĩ của quân đội tham gia. Toàn quân đã huy động 137.706 lượt cán bộ, chiến sĩ, 11.102 lượt phương tiện phối hợp TKCN 2.112 vụ, cứu được 4.868 người và 289 phương tiện. Trước diễn biến của bão, áp thấp nhiệt đới trên biển, các đơn vị quân đội đã kêu gọi, hướng dẫn 571.841 lượt phương tiện, 1.903.620 lượt người đang hoạt động trên biển biết tình hình thời tiết nguy hiểm về nơi tránh trú an toàn; giúp đỡ sơ tán, di dời 29.335 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Các đơn vị trên địa bàn miền Trung và miền Nam tích cực giúp nhân dân ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt với 153.975m3 nước sạch, đào đắp, nạo vét 56,7km kênh mương, 973 giếng nước ăn. Bộ Quốc phòng cũng đã kịp thời cấp 30 tấn lương khô cho nhân dân vùng lũ lụt miền Trung… Những việc làm cụ thể, thiết thực và ý nghĩa đó đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước ghi nhận, đánh giá cao, góp phần làm sáng đẹp thêm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới…
Bên cạnh tham gia ứng phó với TTSC có hiệu quả, Bộ Quốc phòng còn tham mưu cho Đảng, Nhà nước về các chủ trương, chính sách liên quan đến công tác quản lý Nhà nước về PCTT, TKCN như: Nghiên cứu hoàn chỉnh Nghị định của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN trình Chính phủ ban hành; Kế hoạch công tác 5 năm của UBQG TKCN (2016-2020); Kế hoạch ứng phó sự cố cháy nổ, sập đổ công trình; cháy rừng, hóa chất độc xạ của UBQG TKCN; Quy chế phối hợp giữa Văn phòng UBQG TKCN và Cục Kiểm lâm về chữa cháy rừng… Cùng với chỉ đạo, tổ chức chặt chẽ việc huấn luyện và diễn tập cho các đơn vị, địa phương, nâng cao năng lực ứng phó với TTSC, Bộ Quốc phòng còn tham mưu, tổ chức thành công diễn tập trên bản đồ về ứng phó thảm họa và cứu trợ nhân đạo có sự tham gia của lực lượng cứu hộ, cứu nạn Hoa Kỳ (TTX16) và tham gia diễn tập cứu trợ thảm họa, nhân đạo (FTX 16) tại Thái Lan đạt kết quả tốt, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và thế giới…
Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 968, Quân khu 4 giúp nhân dân huyện Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình) khắc phục hậu quả mưa lũ năm 2016. Ảnh: Tuấn Linh
PV: Thiên tai, sự cố diễn biến hằng ngày, đặc biệt là mùa mưa bão đang đến gần, chúng ta cần có biện pháp gì để chủ động PCTT, TKCN hiệu quả?
Thiếu tướng Trương Đức Nghĩa: Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng- Thủy văn Trung ương, do tác động của biến đổi khí hậu, năm 2017, tình hình thời tiết, khí tượng, thủy văn tiếp tục có những diễn biến rất phức tạp, cực đoan, khó lường và khó dự báo. Để chủ động ứng phó có hiệu quả TTSC, chúng ta cần tập trung quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 3-2-2016, của Thủ trướng Chính phủ về việc tăng cường công tác PCTT, TKCN giai đoạn 2016-2020. Chủ động rà soát, điều chỉnh, bổ sung các phương án ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra trên từng địa bàn; đặc biệt các khu vực có nguy cơ cao về sự cố, thiên tai; kế hoạch, phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão, mưa lũ đặc biệt lớn, sạt lở đất trên diện rộng, động đất, sóng thần,… sát tình hình thực tế. Tăng cường tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nhằm làm chuyển biến nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhất là cấp ủy, chính quyền địa phương cơ sở và mọi người dân thấy được nguy cơ, tác động, ảnh hưởng, hậu quả nặng nề của TTSC gây ra, từ đó nâng cao cảnh giác, chủ động phòng, chống, hạn chế thấp nhất thiệt hại.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương cần làm tốt việc kiện toàn hệ thống tổ chức TKCN, xây dựng quy chế hoạt động, chủ động chuẩn bị chu đáo lực lượng, phương tiện nhằm thực hiện tốt cơ chế phối hợp thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ” trong ứng phó với TTSC. Duy trì thực hiện nghiêm chế độ trực 24/24 giờ ở các cấp, chủ động nắm chắc tình hình, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng ứng phó kịp thời, hiệu quả với các tình huống TTSC xảy ra. Nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, diễn tập, hội thao, khả năng cơ động, ứng phó, TKCN của các đơn vị chuyên trách, kiêm nhiệm sẵn sàng triển khai ứng phó hiệu quả với TTSC và tình huống bão mạnh, siêu bão… Tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế với các nước trong khu vực và trên thế giới trao đổi, học tập kinh nghiệm về huấn luyện, đào tạo, quản lý, phòng ngừa TTSC và TKCN.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!