CHỦ ĐỘNG, TỰ LỰC CÙNG “4 TẠI CHỖ”

Cập nhật lần cuối: 6 Tháng Mười, 2022

QĐND – Mưa lũ liên tiếp những ngày qua gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh miền Trung. Phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ) đang được các địa phương triển khai và phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, từ thực tế cho thấy, biến đổi khí hậu ngày càng tăng, thiên tai ngày càng khốc liệt và khó lường, yếu tố có ý nghĩa quyết định đến việc giảm thiệt hại, ứng phó tốt với bão lũ nói riêng và thiên tai nói chung trong mỗi gia đình là vai trò chủ động, sự tự lực của chính mỗi người dân.

Sự chủ động mà mỗi người dân cần phải có là nhận thức đúng, đầy đủ về mức độ nguy hiểm của thiên tai, đặc biệt là bão lũ để có ý thức phòng, tránh ngay từ đầu. Năm nào cũng vậy, rất nhiều thiệt hại, nhiều cái chết thương tâm do mưa bão nhưng tìm hiểu nguyên nhân thì đó là sự mất mát về con người không đáng có. Đáng lẽ nó không thể xảy ra nếu người dân nhận thức đúng, có tinh thần cảnh giác cao. Bão mạnh đang tiến vào bờ hay nước lũ đang dâng cao thì ở chiều ngược lại, nhiều người dân lại ngược ra biển để đánh bắt cá, xuôi dọc dòng nước xiết trên sông để vớt củi, kéo lưới. Người đi biển biết rằng, “biển động cá nhiều”, biển càng có bão, cá vào bờ càng nhiều. Nhưng bão thì diễn biến rất nhanh nên người dân trở tay không kịp. Cứ mỗi lần có bão, lực lượng chức năng phải rất vất vả để tuyên truyền, vận động, thậm chí cưỡng chế để người dân không được bám trụ trên bè, mảng. Vậy nhưng vẫn có không ít trường hợp đã cưỡng chế vào bờ họ lại cố tình quay ra bè, mảng. Đây là những lý do gây thiệt hại về con người rất khó chấp nhận, cũng chẳng thể đổ lỗi tại thiên tai.

Mưa lớn khiến nhiều con đường ở TP Đà Nẵng bị ngập úng. Ảnh: VnExpress.

Phần lớn trước khi có mưa bão gây lũ lụt, các phương tiện thông tin đại chúng, lực lượng chức năng đã thông báo, đưa tin và khuyến cáo người dân theo dõi sát tình hình nhưng nhiều người vẫn có tâm lý coi nhẹ, không chủ động phòng, chống. Điển hình gần đây, bão số 12 đổ vào tỉnh Khánh Hòa năm 2017 gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Trước khi bão vào, nhiều người dân có tâm lý chủ quan cho rằng bão lớn ít khi đổ bộ vào Khánh Hòa. Khi xảy ra, người dân chưa quyết liệt và không có kinh nghiệm ứng phó với bão lớn. Hay những ngày này, người dân các tỉnh miền Trung cũng trở tay không kịp vì chưa bao giờ, từ trung tâm các thành phố đến vùng nông thôn lại ngập lụt sâu và trên diện rộng như thế. Nhưng xâu chuỗi hiện tượng thì với miền Trung, mưa bão, lũ lụt không còn xa lạ. Hầu như năm nào nơi đây cũng phải gánh chịu bão lũ, không địa bàn này thì địa bàn khác.

Vấn đề đối với miền Trung là hình thành trong người dân ý thức “sống chung với bão” để từ đó chính họ có những cách thức đối phó phù hợp. Ngoài vai trò của chính quyền, cơ quan chức năng thì chính mỗi gia đình, mỗi người dân phải tự lực, chủ động phòng, tránh, ứng phó với thiên tai. Trước mỗi mùa mưa bão, những vật dụng rất cần thiết mà từng gia đình nên chủ động mua sắm, cất trữ, như: Áo phao, lương thực, nhu yếu phẩm, nước sạch, thuốc men, bao cát, máy phát điện, thậm chí trang bị cả thuyền nan. Các chuyên gia cho rằng, sự chủ động, tự lực của người dân cần phải được thể hiện ngay trong cách thiết kế, xây dựng nhà cửa để trụ được với mưa bão, tránh làm nhà cửa ở những vùng xung yếu, những vùng có nguy cơ sạt lở cao. Bên cạnh đó, những kiến thức cơ bản về đối phó với bão lũ, phòng, chống dịch bệnh, xử lý môi trường sau bão lũ, người dân cần phải trang bị cho mình.

Không dừng lại ở đó, để “sống chung với bão” mỗi người dân cũng cần nghiên cứu, tìm hiểu để có phương thức canh tác, sản xuất, nuôi trồng phù hợp và thu hoạch tránh được thiệt hại khi mùa bão lũ đến. Trên thực tế, cứ mỗi trận bão lũ đi qua, thành quả lao động cả đời của nhiều người dân bị mất trắng như hàng chục hộ dân nuôi trồng thủy hải sản ở Quảng Nam trong đợt ngập lụt này.

Tất nhiên để đối phó với bão lũ hiệu quả, ở tầm vĩ mô, Nhà nước mà cụ thể hơn là các cấp, các ngành cần tiếp tục có những nghiên cứu, triển khai các giải pháp tổng thể, có ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội; còn với mỗi người dân, sự chủ động, tự lực đều rất quan trọng.