Chủ động ứng phó với thiên tai

Cập nhật lần cuối: 15 Tháng Mười, 2022

QĐND – Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH), các hiện tượng siêu bão, mưa lũ cường suất lớn, hạn hán, rét hại cùng nguy cơ cạn kiệt nguồn nước… đang diễn ra nhiều hơn, kéo theo sự gia tăng về dịch bệnh, tai nạn, sự cố đe dọa đến phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh và đời sống của nhân dân. Thực trạng đó cũng đòi hỏi cơ quan chức năng phải có nhiều giải pháp phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, sự cố và cứu hộ, cứu nạn hiệu quả hơn nữa. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Trương Đức Nghĩa, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm, cứu nạn (UBQG TKCN), Cục trưởng Cục Cứu hộ, cứu nạn Bộ Quốc phòng, xung quanh vấn đề này.

Phóng viên (PV): Trước diễn biến phức tạp, khó lường của BĐKH, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sự cố, thảm họa. Cục Cứu hộ, cứu nạn đã triển khai các nhiệm vụ gì nhằm làm tốt công tác chuẩn bị sẵn sàng ứng phó kịp thời, có hiệu quả với các tình huống về thiên tai, sự cố xảy ra?

Thiếu tướng Trương Đức Nghĩa, Cục trưởng Cục Cứu hộ, cứu nạn.

Thiếu tướng Trương Đức Nghĩa: Theo chỉ số rủi ro về khí hậu được tổ chức quốc tế uy tín Germanwatch công bố (trong nghiên cứu về thiên tai trên thế giới từ năm 1995 đến 2014) thì Việt Nam là 1 trong 5 nước đứng đầu thế giới về thiệt hại do thiên tai gây ra. Thêm vào đó, tình hình tai nạn, sự cố trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cũng diễn ra với tần suất cao, tính chất ngày càng nghiêm trọng. Chỉ tính năm 2015, toàn quốc đã xảy ra hơn 2.510 vụ thiên tai, sự cố, làm chết 665 người; chìm, hỏng 604 phương tiện; sập đổ, hư hại 9.913 nhà dân; cháy 2.466ha rừng và thảm thực vật, thiệt hại về tài sản lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, 4 tháng đầu năm 2016, hạn hán, xâm nhập mặn đã xảy ra trên nhiều địa bàn, làm hơn 169.680 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, 36.470ha hoa màu bị mất trắng, 60.107ha lúa bị nhiễm mặn không phát triển được… Vì thế, nâng cao hiệu quả phòng, chống thiên tai, sự cố và cứu hộ, cứu nạn là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị, trong đó, Quân đội nhân dân là lực lượng nòng cốt, xung kích.

Những năm qua, Cục Cứu hộ, cứu nạn đã tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu chỉ đạo toàn quân thực hiện công tác phòng, chống bão, lụt, cháy, nổ, cháy rừng; ứng phó sập đổ công trình; sự cố tràn dầu và tìm kiếm, cứu nạn. Đồng thời thực hiện chức năng Văn phòng UBQG TKCN, tham mưu cho UBQG TKCN giúp Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân tích cực, chủ động phát huy vai trò lực lượng nòng cốt trong phòng, chống thiên tai, sự cố và cứu hộ, cứu nạn, đạt nhiều kết quả quan trọng. Nổi bật là, nhận thức, quyết tâm, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân về phòng, chống thiên tai, sự cố và cứu hộ, cứu nạn không ngừng được nâng cao. Việc củng cố, kiện toàn tổ chức biên chế lực lượng cứu hộ, cứu nạn các cấp được đẩy mạnh; các chế độ canh, trực và cơ chế điều hành, xử lý thiên tai, sự cố đã đi vào nền nếp. Công tác phối hợp trong bố trí, huy động lực lượng, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” phát triển theo chiều sâu, tạo thế chủ động, vững chắc, sẵn sàng ứng phó kịp thời với các loại hình thiên tai, sự cố xảy ra.

PV: Những khó khăn Cục Cứu hộ, cứu nạn phải đối mặt trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay? Giải pháp của vấn đề này là gì, thưa đồng chí?

Thiếu tướng Trương Đức Nghĩa: Những năm gần đây, mặc dù thiên tai, sự cố thường xuyên được cảnh báo; việc phòng, chống, giảm nhẹ tuy đã có tiến bộ song vẫn còn nhiều bất cập. Ở nhiều nơi, tuy tính chất, mức độ ảnh hưởng ban đầu của thiên tai, sự cố không lớn, nhưng do khâu tổ chức, hiệp đồng xử lý không tốt nên việc khắc phục phải kéo dài, hiệu quả thấp. Vì thế, xây dựng, hoàn thiện hệ thống kế hoạch, phương án ứng phó ở từng cấp và tổ chức huấn luyện, diễn tập chặt chẽ là giải pháp có ý nghĩa quyết định việc nâng cao hiệu quả phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, sự cố và cứu hộ, cứu nạn trên các địa bàn. Yêu cầu đặt ra đối với công tác này phải bảo đảm tính hệ thống, khoa học, sát đặc điểm, điều kiện, yêu cầu, nhiệm vụ từng địa bàn và mang tính khả thi cao. Trong đó, cần nghiên cứu dự kiến sát, đúng các tình huống có thể xảy ra để có phương án bố trí lực lượng, phương tiện, phối hợp, hiệp đồng xử lý hiệu quả, không để bị động, bất ngờ. Quá trình thực hiện, các cơ quan, đơn vị cần phối hợp chặt chẽ với địa phương tiến hành khảo sát nắm chắc tình hình địa bàn, nhất là những đặc điểm về địa chất, địa hình, dân cư; độ bền vững của các công trình đê điều, hồ, đập thủy lợi, thủy điện; các khu vực xung yếu để bổ sung, hoàn chỉnh kế hoạch, phương án cho phù hợp.

Các đơn vị đã tăng cường huấn luyện cho các đối tượng, cả lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm xung kích trong phòng, chống thiên tai, sự cố và cứu hộ, cứu nạn trên các địa bàn. Cùng với nâng cao chất lượng huấn luyện cho lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm theo quy định, cần coi trọng huấn luyện, bảo đảm nâng cao năng lực tổ chức chỉ huy, khả năng phối hợp và trình độ xử lý các tình huống thiên tai, sự cố ngay từ cơ sở. Trong quá trình huấn luyện, các đơn vị tiếp tục bám sát phương châm: “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ và chuyên sâu nhưng phải sát với đặc điểm địa bàn và yêu cầu, nhiệm vụ của từng lực lượng. Đồng thời, tích cực đổi mới nội dung và phương pháp huấn luyện; kết hợp huấn luyện cá nhân với phân đội; gắn huấn luyện kỹ thuật với giáo dục chính trị, tư tưởng; rèn luyện thể lực, ý thức tổ chức kỷ luật. Tăng cường luyện tập, diễn tập theo các kế hoạch, phương án đã được phê duyệt; trong đó, chú trọng nâng cao khả năng vận hành cơ chế lãnh đạo, chỉ huy, điều hành, phối hợp giữa cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng trong xử lý những tình huống về thiên tai, sự cố trên từng khu vực, địa bàn, nhất là ở các địa bàn trọng điểm.

PV: Cục Cứu hộ, cứu nạn thực hiện chức năng là văn phòng thường trực của UBQG TKCN, tham mưu cho UBQG TKCN và giúp Chính phủ chỉ đạo điều hành các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ TKCN. Việc xây dựng thành hệ thống chỉ đạo, điều hành công tác cứu hộ, cứu nạn trên phạm vi toàn quốc hiện nay được thực hiện như thế nào?

Thiếu tướng Trương Đức Nghĩa: Thực hiện chức năng Văn phòng UBQG TKCN; cục đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan của một số bộ, ngành liên quan, xây dựng 20 văn bản quy phạm pháp luật và quyết định hành chính; được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tạo hành lang pháp lý trong chỉ đạo điều hành và thực hiện công tác ứng phó với thiên tai, sự cố, TKCN và hợp tác quốc tế.

LLVT tỉnh Vĩnh Phúc giúp dân cứu lúa bị úng ngập ở huyện Lập Thạch. Ảnh: Đào Duy Tuấn

Chủ động tham mưu đề xuất; kiện toàn hệ thống tổ chức và lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm TKCN đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ. Đến nay, một số bộ, ngành, 63 tỉnh, thành phố đều có Ban Chỉ đạo, Ban Chỉ huy TKCN; trong quân đội đã thành lập các Phòng Cứu hộ – cứu nạn ở các quân khu, quân chủng, Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Binh chủng Công binh và Ban Cứu hộ – cứu nạn ở Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Tổng cục Kỹ thuật, Bộ tư lệnh Cảnh sát biển. Xây dựng và đi vào hoạt động các Trung tâm Quốc gia huấn luyện TKCN đường không, đường biển; Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu miền Bắc, miền Trung; miền Nam; 6 tiểu đoàn công binh thuộc các đơn vị làm nhiệm vụ kiêm nhiệm ứng phó sập đổ công trình; các Trung tâm Phối hợp TKCN Hàng hải/Bộ Giao thông vận tải. Trung tâm Cấp cứu Mỏ/Bộ Công Thương, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn thuộc Bộ Công an.

Từ năm 2012 đến nay, cục đã tham mưu cho UBQG TKCN, Bộ Quốc phòng chỉ đạo một số địa phương, đơn vị lần đầu tiên tổ chức nhiều cuộc diễn tập như: Ứng phó sóng thần và TKCN tại Đà Nẵng (2011); diễn tập ứng phó sự cố hóa chất và TKCN tại Phú Thọ (2012); ứng phó động đất và TKCN tại Quảng Nam (2013). Tổ chức huấn luyện đội quân y, công binh tham gia diễn tập ứng phó khẩn cấp và cứu trợ nhân đạo của quân đội các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) tại Bru-nây (2013). Đặc biệt từ tháng 8 đến tháng 10-2013, với chức năng Văn phòng UBQG TKCN, cục đã tham mưu và trực tiếp xây dựng kế hoạch, kịch bản chỉ đạo các đơn vị xây dựng thao trường, tổ chức huấn luyện, đồng thời trực tiếp tổ chức điều hành cuộc diễn tập thực binh ứng phó thảm họa khẩn cấp khu vực ASEAN năm 2013 lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam với sự tham gia về lực lượng, trang thiết bị của 10 nước ASEAN; Ban Thư ký ASEAN; 5 nước ngoài ASEAN và 10 tổ chức quốc tế cùng tổ chức phi chính phủ với tư cách quan sát viên. Cuộc diễn tập đã thành công tốt đẹp, an toàn tuyệt đố, rút được nhiều kinh nghiệm bổ ích trong công tác cứu trợ nhân đạo và ứng phó khẩn cấp, tăng cường tình đoàn kết hữu nghị với các nước ASEAN. Được Chính phủ, lãnh đạo UBQG TKCN, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng; các bộ, ngành, địa phương, các nước trong khu vực và quốc tế ghi nhận, đánh giá cao; tạo tiếng vang tốt trong nước và quốc tế.

PV: Công tác cứu hộ, cứu nạn là một trong những “nhiệm vụ chiến đấu” của quân đội trong thời bình. Xin đồng chí cho biết, những thành tích nổi bật của Cục Cứu hộ, cứu nạn đã đạt được trong những năm gần đây?

Thiếu tướng Trương Đức Nghĩa: Là cơ quan “tác chiến trong thời bình”, những năm qua, cục luôn chủ động nắm chắc tình hình về thiên tai, sự cố, tổ chức các chế độ ứng trực đồng bộ, chặt chẽ. Tham mưu đề xuất, giúp lãnh đạo UBQG TKCN chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương và giúp Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu chỉ đạo các đơn vị trong toàn quân điều động hàng triệu lượt người, hàng trăm nghìn lượt phương tiện (trong đó riêng quân đội chiếm xấp xỉ 68% người và 57% phương tiện được huy động), triển khai phòng, chống, ứng phó, khắc phục, xử lý kịp thời, có hiệu quả các vụ thiên tai, sự cố, cháy, nổ, cháy rừng, sập đổ công trình, tràn dầu và TKCN, góp phần rất quan trọng làm giảm những thiệt hại về tính mạng; tài sản của nhà nước và nhân dân (trong đó có cả người và phương tiện của nhiều nước). Điển hình như các vụ: Bão số 1 Chan Chu (tháng 5-2006); xử lý dầu tràn vón cục quy mô lớn trên phạm vi 20 tỉnh, thành phố ven biển (tháng 4-2007); tìm kiếm các nạn nhân trong vụ sập cầu Cần Thơ (tháng 10-2007); vụ sập mỏ đá ở Thủy điện Bản Vẽ, Nghệ An (tháng 12-2007); vụ cháy rừng quốc gia Hoàng Liên Sơn (tháng 1-2010); vụ bão chồng lũ, lũ chồng lũ ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình (tháng 10-2010); vụ sập mỏ đá Lèn Cờ, Nghệ An (tháng 3-2011); vụ sập mỏ than Phấn Mễ, Thái Nguyên (năm 2012); bão số 14 Hai Yan (tháng 10-2013), tìm kiếm máy bay MH370 của Hãng hàng không Ma-lai-xi-a (tháng 3-2014), TKCN 12 công nhân trong vụ sập hầm Đạ Dâng, Lâm Đồng (tháng 12-2014)…

Quá trình xây dựng và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng mà trực tiếp là Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tổng tham mưu, sự phối hợp hiệp đồng, giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị trong và ngoài quân đội, của chính quyền và nhân dân các địa phương; các thế hệ cán bộ, nhân viên Cục Cứu hộ, cứu nạn đã luôn nêu cao tinh thần chủ động, tích cực, khắc phục khó khăn, hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ được giao, góp phần cùng các đơn vị trong toàn quân tô thắm thêm truyền thống Bộ đội Cụ Hồ; được Đảng, Nhà nước, chính quyền và nhân dân các địa phương ghi nhận, đánh giá cao, được Chủ tịch nước; Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBQG TKCN, Ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt, bão Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng Bộ Tổng tham mưu khen thưởng 1 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng nhì, 1 Huân chương Chiến công hạng ba, 1 Cờ thi đua xuất sắc của Thủ tướng Chính phủ, 7 Cờ thi đua xuất sắc của Bộ Tổng tham mưu và 2 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cùng những phần thưởng cao quý khác.