Cục Cứu hộ, Cứu nạn (Bộ Tổng tham mưu) Tiên phong trên trận tuyến thời bình

Cập nhật lần cuối: 16 Tháng Mười, 2022

Những năm qua, công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn (CHCN) giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố của quân đội nói chung, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Cục CHCN nói riêng luôn được Đảng, Nhà nước, các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân các địa phương ghi nhận, đánh giá cao. Hình ảnh những chiến sĩ tiên phong trên trận tuyến thời bình luôn tỏa sáng trong lòng nhân dân.

Đã gần tròn một năm xảy ra vụ sập hầm tại công trình thủy điện Đạ Dâng – Đạ Chomo, thuộc địa bàn xã Lát (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) nhưng Đại tá Phạm Văn Tỵ, Phó chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, Phó cục trưởng Cục CHCN vẫn nhớ như in những giây phút cùng đồng đội chạy đua với tử thần để cứu sống những công nhân kẹt sâu trong lòng đất, điều tưởng chừng như chỉ có phép mầu nhiệm mới có thể làm được. Anh Tỵ nhớ lại: Ngay sau khi xảy ra tai nạn, thực hiện chỉ đạo của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu, Đoàn cán bộ, chuyên gia của Cục CHCN đã gấp rút hành quân vào hiện trường, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng thực hiện CHCN. Trước khả năng triển khai đường hầm thứ nhất không hiệu quả, Cục CHCN đã phối hợp, thống nhất với Binh chủng Công binh đề xuất phương án mở thêm đường hầm cứu nạn thứ hai, bên trái đường hầm chính. Sau khi báo cáo và được Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý, Cục CHCN, Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm-Cứu nạn đã chủ trì, tổng chỉ đạo các lực lượng CHCN tại hiện trường. Trước những nỗ lực vượt bậc của các lực lượng cứu hộ, toàn bộ 12 nạn nhân bị mắc kẹt trong vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng-Đạ Chomo đã được đưa ra ngoài an toàn”.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội luyện tập tình huống cứu nạn trên sông. Ảnh: QUANG THIỆN

Trò chuyện cùng chúng tôi, Trung tướng Phạm Hoài Giang, Cục trưởng Cục CHCN-Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm-Cứu nạn khẳng định: Công tác tìm kiếm, CHCN luôn được Bộ Quốc phòng xác định là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là nhiệm vụ “chiến đấu trong thời bình” của các đơn vị. Thành tích tại thủy điện Đạ Dâng-Đạ Chomo chỉ là một trong hàng ngàn chiến công của những người lính trên trận tuyến thời bình trong những năm qua. Trung tướng Phạm Hoài Giang cho biết: Hiểu rõ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, những năm qua, Cục CHCN luôn theo dõi, nghiên cứu nắm chắc diễn biến của thời tiết, khí hậu, thủy văn, nắm bắt kịp thời các sự cố để xây dựng các phương án đối phó. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và của từ các vụ việc, Cục CHCN luôn tích cực, chủ động tham mưu với Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng ban hành các chỉ thị, công điện chỉ đạo xử lý kịp thời, hiệu quả các vụ thiên tai, tai nạn, sự cố. Cục CHCN cũng tổ chức nhiều đoàn công tác trực tiếp chỉ đạo các đơn vị nằm trong vùng ảnh hưởng của thiên tai, hỏa hoạn thực hiện các biện pháp phòng, chống; tổ chức lực lượng, phương tiện phối hợp chặt chẽ với địa phương ứng phó, khắc phục kịp thời các tình huống xảy ra.

Nhờ tinh thần chủ động, sáng tạo, chỉ tính riêng từ đầu năm 2015 đến nay, các đơn vị trong toàn quân đã huy động hơn 85.000 lượt người, hơn 1.200 phương tiện tham gia CHCN. Các lực lượng đã tham gia ứng cứu 1.200 vụ, cứu được gần 1.200 người và 65 phương tiện; thực hiện di dời gần 21.300 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Các đơn vị hải quân, không quân, bộ đội biên phòng đã kêu gọi, hướng dẫn gần 31,7 vạn lượt phương tiện tàu thuyền với hơn 1,23 triệu lượt người biết diễn biến của các cơn bão để chủ động di chuyển phòng tránh… Trong hiểm nguy, gian khó, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ tiếp tục tỏa sáng trên trận tuyến thời bình.

Hiện nay, trước sự tác động mạnh mẽ của quá trình biến đổi khí hậu toàn cầu và những diễn biến ngày càng đa dạng, phức tạp của thời tiết. Cùng với đó là những nguy cơ tiềm ẩn rất lớn về các tai nạn, sự cố có thể xảy ra trong xây dựng, giao thông, trong sản xuất, trong khai thác, cả trên đất liền, trên biển. Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, theo Trung tướng Phạm Hoài Giang, toàn quân nói chung, các đơn vị CHCN chuyên trách nói riêng phải luôn nêu cao tinh thần tích cực, chủ động, nắm chắc tình hình, làm tốt công tác chuẩn bị để sẵn sàng ứng phó kịp thời, có hiệu quả với các tình huống về thiên tai, sự cố. Đội ngũ cán bộ, chiến sĩ toàn quân phải quán triệt, nắm vững quan điểm chính sách của Đảng, Nhà nước; các nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố và CHCN. Cần tiếp tục học tập, huấn luyện để sử dụng tốt các trang thiết bị hiện đại mà Đảng, Nhà nước, quân đội đã đầu tư phục vụ cứu hộ đường không, đường biển, cứu hộ khi sập đổ công trình.

Cũng theo Trung tướng Phạm Hoài Giang, để công tác CHCN thu được kết quả tốt, các cơ quan, đơn vị cần tăng cường giáo dục cho cán bộ, nhân viên, chiến sĩ xác định rõ nhiệm vụ, nâng cao năng lực và phương pháp, tác phong công tác, làm tốt vai trò tham mưu với Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm-Cứu nạn trong chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương; tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng tham mưu chỉ đạo toàn quân về công tác phòng, chống thiên tai, sự cố và CHCN. Cục CHCN phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, của các bộ, ngành có liên quan, nghiên cứu đề xuất xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về ứng phó thiên tai, sự cố trình Chính phủ ban hành, tạo hành lang pháp lý cho tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Chủ động tham mưu đề xuất hoàn thiện tổ chức biên chế, trang bị cho các cơ quan, đơn vị làm công tác CHCN đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Chỉ đạo chặt chẽ công tác huấn luyện, diễn tập phòng, chống thiên tai, CHCN theo hướng thiết thực, hiệu quả, nâng cao khả năng cơ động ứng phó và kỹ năng thực hiện nhiệm vụ trong các điều kiện khó khăn, phức tạp cho các lực lượng.