Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, dự báo trong khoảng 10 – 14 giờ hôm nay (19.8), bão số 3 sẽ đổ bộ vào các tỉnh từ Thái Bình đến Ninh Bình với gió mạnh cấp 10, tức là từ 90 – 100 km/giờ, giật cấp 12 – 14.
Bắt đầu từ sáng sớm 19.8, các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão khi có gió mạnh dần lên cấp 8 – 10, giật cấp 12 – 14. Vùng đồng bằng, trung du Bắc bộ và Nghệ An, Hà Tĩnh có gió mạnh cấp 6 – 7, giật cấp 8 – 10. Vùng ven biển từ phía nam tỉnh Quảng Ninh đến Thanh Hóa nước biển dâng trong bão kết hợp triều cường cao từ 3 – 4 m.
Theo ông Hoàng Đức Cường – Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, qua trao đổi thông tin với các cơ quan khí tượng Trung Quốc, trong 3 ngày vừa qua, cơn bão đã gây ra mưa đặc biệt lớn ở đảo Hải Nam với tổng lượng mưa trên 900 – 1.000 mm. Qua các dữ liệu quan trắc cho thấy, cơn bão số 3 sẽ gây ra đợt mưa lớn trên diện rộng ở khắp các tỉnh Bắc bộ và bắc Trung bộ. Mưa lớn cấp tập từ đêm 18 – 20.8 với tổng lượng mưa từ 200 – 400 mm, có nơi mưa trên 400 mm sẽ gây ra một đợt lũ lớn nhất ở Bắc bộ và bắc Trung bộ trong năm nay. Ngoài ra, hoàn lưu bão còn có khả năng gây mưa lớn ở các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình với lượng mưa phổ biến từ 100 – 200 mm.
Tại buổi làm việc với cơ quan chức năng và các địa phương liên quan ngay trong chiều qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh “không thể chủ quan trong ứng phó với cơn bão số 3, đặc biệt là cảnh báo mưa lớn sau bão”. Chính phủ, các bộ ngành và chính quyền các địa phương phải ưu tiên hàng đầu cho công tác ứng phó với mưa bão. Trong đó, các cơ quan T.Ư phải có phương án sẵn sàng về mọi nguồn lực, phương tiện trong trường hợp cần thiết sẽ ứng cứu các địa phương đang có các vị trí xung yếu.
Cùng ngày, Văn phòng Chính phủ đã có công điện truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo UBND các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa, các bộ, ngành T.Ư dừng tất cả các cuộc họp không cấp thiết để tập trung chỉ đạo ứng phó với cơn bão số 3. Thủ tướng phân công Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đi kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng chống bão tại Hải Phòng và Quảng Ninh; Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đi các tỉnh Nam Định, Thái Bình và Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đi Ninh Bình và Thanh Hóa.
Tại Thanh Hóa, theo ghi nhận của PV Thanh Niên, tại các khu vực neo đậu tàu thuyền như Lạch Sung, Lạch Trường, Kênh De (H.Hậu Lộc), cảng Hới (TX.Sầm Sơn), Lạch Bạng (H.Tĩnh Gia)… thường xuyên có các lực lượng chức năng hướng dẫn và hỗ trợ người dân neo đậu tàu thuyền tránh trú bão.
Tại Ninh Bình, toàn bộ 126 tàu cá, với 374 ngư dân và 182 hộ dân trên các chòi canh ngao ven biển đã vào bờ tránh trú bão. UBND tỉnh yêu cầu các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, đảm bảo an toàn tại các tuyến đò ngang, đò dọc trên địa bàn và tạm ngừng hoạt động các bến đò từ 7 giờ sáng 19.8.
Tại Nghệ An, đến chiều tối 18.8, toàn bộ gần 4.000 tàu thuyền đánh bắt của địa phương đã về đất liền, vào các địa điểm tránh trú bão.