Huy động mọi lực lượng khắc phục nhanh hậu quả bão, lũ

Cập nhật lần cuối: 10 Tháng Mười, 2022

QĐND Online – Sáng 17-7, tại Hà Nội, Phó thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương về chủ động đối phó với diễn biến mưa lũ, khắc phục nhanh hậu quả bão số 2. Tham dự cuộc họp có lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một số bộ, ngành Trung ương. Các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh họp trực tuyến.

Kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận và đánh giá cao sự chuẩn bị tích cực, khẩn trương, nghiêm túc của các bộ, ngành, địa phương để ứng phó với cơn bão di chuyển với tốc độ rất nhanh, từ đó góp phần giảm nhẹ thiệt hại về người và tài sản cho người dân. Theo Phó thủ tướng, bão số 2 không phải cơn bão lớn, nhưng lại có diễn biến rất nhanh, do đó đã gây thiệt hại không nhỏ về người và tài sản.

                              Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TTXVN 

Để chủ động đối phó với diễn biến mưa lũ, khắc phục nhanh hậu quả bão số 2, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu tập trung mọi lực lượng, phương tiện của biên phòng, hải quân, tìm kiếm cứu nạn, huy động cả tàu, thuyền trong khu vực để trong thời gian ngắn nhất tìm bằng được những thuyền viên bị nạn trên tàu VTB26 chìm tại Nghệ An. UBND các tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương kiểm tra, đánh giá thiệt hại do bão số 2; kịp thời hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, trong đó tập trung cứu chữa người bị thương, thăm hỏi, động viên hỗ trợ gia đình có người bị thiệt mạng, hỗ trợ lương thực, thực phẩm (trong trường hợp cần thiết), không để người dân bị thiếu đói; huy động lực lượng hỗ trợ, giúp đỡ người dân sửa chữa nhà cửa, dọn dẹp vệ sinh sau bão, lũ.

Phó thủ tướng cũng yêu cầu UBND các tỉnh tiếp tục rà soát, chủ động sơ tán người dân ra khỏi các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất để bảo đảm an toàn tính mạng; chỉ đạo các ngành giao thông vận tải, công thương, thông tin và truyền thông, nông nghiệp và phát triển nông thôn… tập trung khắc phục các sự cố, nhất là bảo đảm giao thông, thông tin liên lạc, điện. Cùng với đó, phải tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho đê điều, hồ đập; yêu cầu các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Công Thương, Thông tin và Truyền thông theo chức năng nhiệm vụ được giao chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp, hỗ trợ địa phương khẩn trương triển khai các phương án khắc phục hậu quả bão số 2.

Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức thường trực theo dõi, tổng hợp diễn biến mưa lũ, đôn đốc, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các biện pháp cụ thể đối phó với mưa lũ; đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo khi vượt thẩm quyền. Phó thủ tướng cũng đề nghị Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, Ban Chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai phải nhanh chóng rút kinh nghiệm, kể cả những mặt được, mặt còn hạn chế trong tổ chức chỉ đạo, ứng phó kịp thời với mọi diễn biến về thiên tai.

Theo báo cáo của Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, bão số 2 đã làm tàu vận tải VTB26 cùng 13 thuyền viên bị chìm. Tàu chở 4.700 tấn than, neo đậu tại khu vực biển Hòn Ngư, Cửa Lò, Nghệ An. Bộ tham mưu chỉ đạo Biên phòng Nghệ An phối hợp với cảng vụ Nghệ An xác minh thông tin, thông báo cho 3 tàu vận tải đang neo ở khu vực trên hỗ trợ tìm kiếm cứu vớt người bị nạn.

             Đường Trần Quang Khải, thành phố Hưng Yên, bị ngập sâu người dân phải xuống dắt xe. Ảnh: TTXVN  

Tại cuộc họp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An báo cáo thêm, tàu VTB26 phát tín hiệu cấp cứu lúc 2 giờ 10 phút sáng 17-7, sau đó mất tín hiệu; hiện đã thành lập Ban chỉ huy tìm kiếm cứu nạn tiền phương và các lực lượng đang tích cực tìm kiếm, tiếp cận để cứu nạn nhân trên tàu.

Thiếu tướng Trương Đức Nghĩa, Văn phòng Ủy ban quốc gia Ban Chỉ đạo Trung ương Tìm kiếm cứu nạn cho biết, hiện đã điều động các tàu của biên phòng, cảnh sát biển đến hiện trường; lệnh cho các lực lượng ven bờ sẵn sàng ứng cứu, hỗ trợ nạn nhân. Cho đến thời điểm kết thúc cuộc họp (9h30) đã tìm thấy 3 người.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Nghệ An, tính đến 5h ngày 17-7 bão đã làm 1 người chết (Nguyễn Thị Mai sinh năm 1969 ở khối 8 phường Quỳnh Thiện, thị xã Hoàng Mai do mái tôn đè), 2.751 nhà, quán bị tốc mái, trong đó có 1 trụ sở UBND, 1 trạm y tế và 1 trường học; trên 2.000 ha vừng bị đổ, 300 ha dưa hấu bị ngập, 350 ha keo và hàng nghìn cây xanh bị đổ.

Lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, một số nơi có mưa lớn từ 132 đến 160 mm. Lượng nước trên các sông hiện ở mức thấp, chưa quá lo ngại. Các hồ chứa hiện vẫn trong ngưỡng an toàn. Tỉnh đang chuẩn bị sẵn sàng máy bơm tiêu úng cục bộ nếu tình trạng ngập úng xảy ra. Diện tích bị ngập úng khoảng 590 ha lúa, 743 ha ngô, mía và các loại cây trồng khác khoảng 100 ha, hiện đang tập trung bơm chống úng. Đường giao thông, đê quai… bị sạt lở nhẹ, không có sự cố lớn.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các hồ chứa nước được vận hành cấp nước theo đúng quy trình điều tiết, hiện chưa có hồ chứa nào báo cáo về nguy cơ mất an toàn. Hiện có 82 hồ chứa tại các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, là trọng điểm về an toàn đập, các địa phương đã triển khai phương án và sẵn sàng vật tư, phương tiện để bảo đảm an toàn.

* Đến 11 giờ 30 phút ngày 17-7, đã xác định được 7 trong số 13 thuyền viên của tàu VTB 26 bị chìm khi neo đậu ở khu vực biển Hòn Ngư, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An, còn sống và một người đã tử vong.

Thuyền viên tàu VTB 26 được cứu nạn và đưa vào bờ. Ảnh: tuoitre.vn

Cụ thể, hai người đang trôi dạt trên biển; hai người tự bơi vào khu vực an toàn; ba người được cứu sống; một người đã tử vong tại cầu phao số 0 trên biển. Thi thể nạn nhân tử vong sẽ được đưa vào khu vực cầu cảng Hải đội 2, Cửa Hội để xác định danh tính. Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh chỉ đạo Sở Y tế điều xe chuyên dụng và y, bác sỹ xuống cầu cảng Hải đội 2 để làm các thủ tục cần thiết. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Đình Thọ đã có mặt tại khu vực cầu cảng Hải đội 2, thị xã Cửa Lò trực tiếp chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn.

Lực lượng cứu hộ đang chạy đua với thời gian và sóng to, gió lớn để tìm kiếm những người còn lại. Đội tàu tìm kiếm gồm SAR 411, CSB 3005, ca nô, xuồng CQ 606; 3 tàu biên phòng 301, 61301, 061201 cùng 4 tàu hàng: Thanh Thành Đạt 35, Lam Hồng 99, Trường An, Sơn Long và 1 tàu cá của ngư dân NA 90786 đang tích cực tìm kiếm quanh khu vực biển Cửa Lò, Cửa Hội, Nghi Thiết. Nhiều tàu cá của ngư dân, xuồng cao tốc cũng được huy động.

Danh sách 13 người trên tàu gặp nạn:

1. Phạm Văn Hải, Thuyền trưởng, quê quán: Ninh Bình

2. Nguyễn Văn Xuân, Đại phó, quê quán: Thanh Hóa

3. Nguyễn Văn Chiêu, Sỹ quan boong, quê quán: Hải Phòng

4. Nguyễn Văn Sáng, Máy trưởng, quê quán: Thanh Hóa

5. Nguyễn Văn Lâm, Máy hai, quê quán: Hải Phòng

6. Nguyễn Văn Dương, Sỹ quan máy, quê quán: Hải Phòng

7. Vũ Văn Đạt, Thủy thủ AB, quê quán: Nam Định

8. Ngô Cao Cường, Thủy thủ AB, quê quán: Nghệ An

9. Nguyễn Hải Quyết, Thủy thủ OS, quê quán: Hải Phòng

10. Lý Văn Giang, Thợ máy AB, quê quán: Hải Phòng

11. Lê Đắc Tài, Thợ máy AB, quê quán: Thanh Hóa

12. Đặng Duy Khiêm, Thợ máy OS, quê quán: Thái Bình

13. Nguyễn Anh Tuấn, Hành khách, quê quán: Hải Phòng.

* Liên quan đến vụ tàu vận tải VTB 26 bị chìm cùng 13 người mất tích, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ cùng đoàn công tác đã có mặt tại Nghệ An cùng lãnh đạo tỉnh Nghệ An, LLVT Quân khu 4 để trực tiếp chỉ đạo việc tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ đề nghị mở rộng phạm vi tìm kiếm để nhanh chóng tìm thấy được 5 người còn lại. Tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo Sở Y tế điều xe chuyên dụng và y, bác sĩ để cứu chữa, chăm sóc sức khỏe cho các thuyền viên được tìm thấy.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ cùng lãnh đạo tỉnh Nghệ An, LLVT Quân khu 4 trực tiếp chỉ đạo việc tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn.  

Đến thời điểm hiện tại, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn tại Nghệ An đã huy động 10 tàu thuyền tìm kiếm người mất tích. Trong đó có hai tàu của Lực lượng Cảnh sát biển và Hải quân, 4 tàu hàng và 4 tàu cá của ngư dân tích cực tìm kiếm người mất tích quanh khu vực tàu than bị chìm. Ngoài ra, thông tin về chiếc tàu gặp nạn và các nạn nhân còn mất tích cũng được báo qua hệ thống Icom cho các tàu thuyền, mở đường dây nóng hỗ trợ tìm kiếm, cứu nạn.

Theo thông tin từ Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi: Tàu SAR 27-01 đã tiếp cận được vị trí tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi gặp nạn trên biển và đang tiến hành lai dắt về cảng Nha Trang. Trên tàu cá gặp nạn có 6 ngư dân.

Trước đó, ngày 13-7, tàu cá Qng 94698- TS do ông Bùi Công Cày (trú xã Phổ An, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) làm thuyền trưởng xuất bến lại Trạm kiểm soát Biên phòng Mũi Tấn (Bình Định) đi hành nghề câu cá ngừ trên vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa. Đến 21 giờ 58 phút ngày 16-7, tàu bất ngờ bị hỏng máy, thả trôi, không khắc phục được; tốc độ trôi 0,8 hải lý/giờ; thời điểm tàu bị hỏng máy trên biển đang có gió cấp 5-6. Thuyền trưởng đã đề nghị được hỗ trợ khẩn cấp.

Nhận được thông tin, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc sử dụng các hệ thống thông tin liên lạc hiện có duy trì liên lạc với tàu cá bị nạn; đồng thời kêu gọi các phương tiện hoạt động gần đó đến ứng cứu. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi cũng thông báo đến Cảnh sát biển vùng 2, Trung tâm phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải khu vực IV biết để phối hợp cứu hộ, cứu nạn.

Đến khoảng 6 giờ 05 phút ngày 17-7, tàu SAR 27-01 đã tiếp cận được vị trí tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi gặp nạn và tiến hành lai dắt tàu về Nha Trang. Dự kiến đến khoảng 14 giờ cùng ngày, tàu cập cảng Nha Trang.

Ngày 17-7, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, cho biết do ảnh hưởng của cơn bão số 2, vùng biển vịnh Hòn La (thuộc xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) có sóng lớn khiến hàng chục tàu cá của ngư dân bị đánh chìm.

Theo báo cáo nhanh của huyện Quảng Trạch, có 26 tàu cá ngư dân xã Quảng Đông bị chìm, 7 tàu hàng bị mắc cạn chưa rõ chủ, 3 sà lan của cảng La bị chìm, 9 tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị chìm, 1 tàu vỏ thép của ngư dân xã Cảnh Dương bị đánh chìm. Một tàu lai dắt của lực lượng Hải quân cũng bị đắm làm 7 người bị thương, trong đó có 3 người đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa Bắc Quảng Bình, 1 người bị gãy chân, số còn lại điều trị tại trạm y tế xã Quảng Đông.

Ngay sau khi nhận được thông tin nhiều tàu, thuyền bị chìm, các đơn vị chức năng đã có mặt kịp thời ứng cứu ngư dân. Hàng chục ngư dân trên các tàu bị chìm đã thoát nạn vào bờ an toàn. Đến khoảng 10 giờ ngày 17-7, các lực lượng chức năng đã đến khu vực vịnh Hòn La để tiến hành cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ an toàn tài sản của ngư dân và các chủ tàu hàng.

Hiện nay, các địa phương của tỉnh Hà Tĩnh đang tập trung kiểm tra, giúp dân khắc phục thiệt hại do bão số 2 gây ra. Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh, vào lúc 2h ngày 17-7, ở xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên và huyện Kỳ Anh có gió bão mạnh cấp 7, giật cấp 8; tại Hoành Sơn, thị xã Kỳ Anh có gió bão mạnh cấp 8, giật cấp 11.

Biển hiệu cửa hàng trên đường Trần Phú, TP Hà Tĩnh bị hư hỏng, rơi xuống trong bão. Ảnh: vietnamnet.vn 

Do ảnh hưởng của bão số 2 nên toàn tỉnh Hà Tĩnh có mưa vừa, có nơi mưa to. Lượng mưa từ 7h ngày 15-7 đến 1h ngày 17-7 tại các trạm đo được như sau: Thành phố Hà Tĩnh 214mm; Thạch Đồng 206mm; Kỳ Anh 229mm; Hương Khê 162,8mm; Chu Lễ 70,1mm; Hòa Duyệt 179,5mm; Hương Sơn 119,4mm; Linh Cảm 144,9mm; Cẩm Nhượng 136,2mm; Thạch Đồng 206mm; riêng tại Hoành Sơn có lượng mưa lên đến 343mm.

Theo báo cáo bước đầu của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh, địa phương không có thiệt hại về người do cơn bão số 2. Về tài sản, 1 nhà dân và 45 ki-ốt bị sập đổ; 31 nhà dân, 4 trường học và 1 trụ sở UBND xã bị tốc mái; 8 cột điện bị đổ; 607ha lúa và 290 ha hoa màu bị ngập, úng và nhiều cây cối bị đổ ngã. Ngoài ra, toàn tỉnh có 4 tàu cá bị sóng đánh chìm trong khu vực tránh, trú bão (trong đó 3 tàu tại Cảng Sơn Dương, Hà Tĩnh và 1 tàu tại Cảng Hòn La, tỉnh Quảng Bình).

Tại huyện ven biển Lộc Hà do có gió cấp 8, giật trên cấp 8 làm nhiều trường học nhà dân và các công trình phúc lợi, hồ nuôi tôm bị thiệt hại. Tại xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà, nhiều ki-ốt, nhà dân và trường học bị tốc mái; hồ tôm của ông Trần Công Dũng bị sạt lở và ngập lụt ước thiệt hại 40 triệu đồng. Huyện Lộc Hà đã huy động lực lượng chức năng gồm quân đội, công an, dân quân tự vệ cùng người dân tập trung khắc phục hậu quả do cơn bão số 2.

Theo thông tin từ Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (PC67), Công an thành phố Hà Nội, trước tình trạng mưa to trong ngày 17-7 gây úng ngập nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố, đơn vị này đã huy động lực lượng cảnh sát giao thông ứng trực, tăng cường tuần tra kiểm soát trên địa bàn quản lý; tập trung tại các điểm ngập úng, các điểm có khả năng ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông do mưa bão, ngập úng, phục vụ nhân dân đi lại thông suốt, an toàn.

Lực lượng CSGT Hà Nội đội mưa điều tiết giao thông ở những tuyến phố. Ảnh: dantri.com.vn 

Phòng PC67 đã phối hợp với Bộ tư lệnh Thủ đô, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Tìm kiếm cứu nạn thành phố và Ủy ban Phòng chống lụt bão của các quận, phường; các lực lượng chức năng trên địa bàn quản lý theo phương châm 3 sẵn sàng “phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả”, 4 tại chỗ “chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ” để tổ chức hiệp đồng huy động, bố trí lực lượng sẵn sàng giải quyết các tình huống phức tạp, giúp đỡ người tham gia giao thông, người bị nạn hạn chế thấp nhất mọi thiệt hại về người và tài sản do cơn bão số 2 gây ra.

Sáng 17-7, lực lượng cảnh sát giao thông cũng tăng cường tuần tra kiểm soát tại các điểm ngập úng, các điểm có khả năng ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông do mưa bão, ngập úng như: Hệ thống cây xanh (đặc biệt là các cây to, dễ đổ, gây cản trở giao thông); hệ thống đường dây tải điện, viễn thông, cột điện, cột đèn tín hiệu giao thông; các biển quảng cáo, panô, áp phích ngoài trời, trên cao; nhà cửa, các đoạn đường hư hỏng, các công trình đang thi công sửa chữa, cầu yếu; các tuyến đường thuộc vùng trũng, thấp hoặc có nguy cơ sạt lở cao.

Phòng PC67 hiện đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện tổ chức phân luồng, hướng dẫn tại các tuyến, nút ngập úng, khu vực ùn tắc giao thông theo phương án bố trí lực lượng đã được chỉ huy phòng phụ trách phê duyệt không để ùn tắc, tai nạn giao thông. Bên cạnh đó, ưu tiên các phương tiện cấp cứu, cứu hộ, cứu nạn hoặc vận chuyển lương thực, thuốc men, hàng hóa, vật tư thiết yếu…; cấm các phương tiện vào khu vực đê xung yếu, tuyến đường đang bị ngập, úng; bố trí xe tải, xe cẩu thường trực cẩu, kéo ô tô bị sự cố chết máy ra khỏi nơi ngập úng; đặt các biển báo thông báo phía trước có điểm ngập sâu đảm bảo yêu cầu công tác phòng chống bão, lụt; đồng thời chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức trực ban, trực chiến 24/24h, quân số ứng trực để giải quyết, đối phó với tình huống đột xuất xảy ra.

Theo ghi nhận của phóng viên, trận mưa lớn xảy ra vào sáng 17-7 do ảnh hưởng của bão số 2, đang gây nên tình trạng ngập úng cho nhiều tuyến phố ở Hà Nội. Đến trưa cùng ngày, hàng loạt tuyến đường, phố đã ngập nặng từ 30 – 40cm, thậm chí có nơi sâu đến 1m như Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân, Vương Thừa Vũ, Trường Chinh, Phan Bội Châu, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Khuyến, Cao Bá Quát, Đội Cấn, Thụy Khê… Mưa lớn làm ngập úng các tuyến phố đã khiến hàng loạt phương tiện chết máy, gây khó khăn trong tham gia giao thông trên tuyến.

Theo quan sát, nhiều tuyến đường ngập sâu đã được Cảnh sát giao thông đặt biển cảnh báo các phương tiện không đi qua, tránh tình trạng xe hỏng, “chết” máy gây thiệt hại về người và tài sản. Hiện các đơn vị của Phòng PC67 vẫn đang tập trung phân luồng, điều khiển giao thông trong mưa bão.

* Theo báo cáo của Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên thoát nước Hà Nội, từ 9h đến 12h30 ngày 17/7, lượng mưa tại Hà Nội nhiều nơi đạt ngưỡng trên 120mm. Trong đó, tại Nam Từ Liêm 121,0mm, Nguyễn Khuyến 103,8mm, Vân Hồ 126,2mm ; Yên Sở 97,9mm; Hoàng Mai 103,0mm, Cầu Giấy 122,9 mm, Tây Mỗ 106,8mm, Phú Đô 106,0mm, Mễ Trì 129,1mm, Hà Đông 107,1mm, Linh Đàm 101,1mm… khiến nhiều nơi bị ngập sâu.

Không chỉ mưa to tại các quận nội thành mà các huyện trên địa bàn cũng có lượng mưa tương đối, nhưng không đều. Huyện Mỹ Đức lượng mưa đạt 79,2mm, Ứng Hòa 78,7mm, Thanh Oai lượng mưa đạt 106,7mm, Thường Tín 174,9mm, Chương Mỹ 96,54mm, Thạch Thất 79,4mm, Phú Xuyên 102,4mm, Đan Phượng 118,8mm… Tại các huyện dù tiêu thoát nước tự nhiên tốt nhưng cũng bị úng ngập, như khu vực Bến xe Đại Nghĩa (huyện Mỹ Đức), trước cửa Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thị trấn Vân Đình (huyện Ứng Hòa), ngõ 72 Vạn Chài (trên Quốc lộ 21), Quốc lộ 6 đoạn qua bệnh xá 24, cửa Đại học Lâm nghiệp…

Do lượng mưa quá lớn, diễn ra liên tục nên tại thời điểm 12h30 ngày 17-7, mực nước tại một số vị trí như: Trên sông Tô Lịch tại Hoàng Quốc Việt 5,52m, tại đập Thanh Liệt 4,24m; trên sông Nhuệ tại trạm bơm Đồng Bông 5,10m, tại đập Thanh Liệt 4,24m; trên sông Kim Ngưu tại cống quay 4,18m; tại Hồ Tây 5,89m, hồ Linh Đàm 2,59m, hồ Đống Đa 4,48m…

Trước tình trạng mưa lớn trên địa bàn, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên thoát nước Hà Nội đã tổ chức lực lượng ứng trực tại hiện trường thực hiện công tác tua vớt rác tại miệng thu hàm ếch, khơi thông dòng chảy và phối hợp hướng dẫn giao thông. Các dàn thiết bị cơ giới đã thực hiện ứng trực để kịp thời hỗ trợ thông tắc tại các vị trí được phân công. Các cửa phai hồ Thành Công, Giảng Võ, Bảy Mẫu, Đống Đa… và đập Thanh Liệt đã được mở để điều hòa nước theo quy trình. Trạm bơm Yên Sở, trạm bơm Đồng Bông I đang vận hành các bơm để tiêu thoát nước trên hệ thống.

Hiện tại, Công ty tiếp tục triển khai công tác ứng trực thu gom rác trước ga thu, vệ sinh mặt đường và vận hành các trạm bơm để hạ mực nước trên hệ thống, giảm thiểu tối đa mức độ và thời gian úng ngập, đảm bảo giao thông cho các khu vực trọng điểm.

Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện số 1025/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan khắc phục hậu quả bão số 2 năm 2017.

Công điện nêu rõ: Bão số 2 đã đổ vào khu vực các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ với sức gió mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11, mưa lớn trên diện rộng, gây thiệt hại về người, nhà cửa của nhân dân và cơ sở hạ tầng, đặc biệt là tàu vận tải VTB 26 bị chìm trên vùng biển tỉnh Nghệ An làm 13 thuyền viên gặp nạn.

Theo dự báo, thời gian tới mưa lũ còn tiếp tục diễn biến phức tạp. Để chủ động đối phó, khắc phục nhanh hậu quả bão số 2, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1. Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An và các cơ quan có liên quan tiếp tục huy động phương tiện, lực lượng tập trung tìm kiếm, cứu nạn các thuyền viên của tàu vận tải biển VTB 26 còn đang gặp nạn.

2. Ủy ban nhân dân các tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng kịp thời hỗ trợ các gia đình có người bị thiệt hại do bão số 2, tập trung cứu chữa người bị thương, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình có người bị thiệt mạng, hỗ trợ người dân ổn định đời sống, không để người dân bị thiếu đói. Tiếp tục rà soát, chủ động sơ tán người dân ra khỏi các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, các khu vực có nguy cơ ngập lụt để bảo đảm an toàn. Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, chủ động vận hành các hồ chứa và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho đê điều, hồ đập. Tập trung khắc phục các công trình hạ tầng bị hư hỏng do mưa bão, nhất là các công trình giao thông, thông tin liên lạc, hệ thống điện, thủy lợi; chủ động tiêu nước chống úng ngập, bảo vệ sản xuất. Huy động lực lượng hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân sửa chữa nhà cửa, dọn vệ sinh môi trường sau bão, lũ.

3. Các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông Vận tải, Công Thương, Y tế, Thông tin và Truyền thông theo chức năng nhiệm vụ được giao chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp, hỗ trợ địa phương triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả bão số 2.

4. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn tiếp tục theo dõi diễn biến mưa lũ, đôn đốc, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các biện pháp đối phó kịp thời; tổ chức rút kinh nghiệm để công tác dự báo, chỉ đạo, ứng phó ngày càng hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.