QĐND – Mưa lũ những ngày qua đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản của nhân dân các tỉnh miền núi phía Bắc. Theo dự báo, mưa lũ còn diễn biến rất phức tạp. Vì vậy, cùng với việc nỗ lực khắc phục hậu quả, các ngành, các cấp, các địa phương không thể chủ quan, lơ là mất cảnh giác trong việc ứng phó.
Thiệt hại nặng nề về người và tài sản
Chiều tối 12-7, trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Văn Phú Chính, Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Thiên tai (PCTT) cho biết: Mưa lũ những ngày qua đã làm 20 người chết và 2 người mất tích. Đồng thời mưa lũ còn gây sạt lở đất ở các tỉnh miền núi phía Bắc khiến 175 nhà bị thiệt hại, hư hỏng; 52 nhà phải di dời; 519,07ha lúa và 43,32ha hoa màu bị thiệt hại; 102.315m3 đất, đá sạt lở; 3 cầu, 6 cống bị hư hỏng trên các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ gây ách tắc giao thông ở nhiều điểm. Tổng thiệt hại sơ bộ ban đầu ước tính hơn 28,9 tỷ đồng. Nguyên nhân khiến số người chết tăng trong đợt mưa lũ này theo ông Văn Phú Chính có nhiều yếu tố, nhưng yếu tố đầu tiên phải kể đến là do người dân chủ quan đi qua các ngầm, tràn khi lũ đang lên nên bị lũ cuốn trôi. Thêm vào đó, công tác canh gác, cảnh báo ở một số ngầm, tràn thời gian qua chưa tốt.
Bộ đội, dân quân tích cực giúp dân
Thời gian qua, LLVT đã tích cực giúp dân các tỉnh miền núi phía Bắc ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất. Đêm 11-7 và sáng 12-7, tại địa bàn các huyện Chợ Đồn, Pác Nặm và Na Rì, tỉnh Bắc Kạn xảy ra sạt lở 270m3 đất, hư hỏng 3 nhà dân, không thiệt hại về người. Địa phương huy động 58 dân quân tham gia khắc phục hậu quả. 17 giờ ngày 11-7 đến 4 giờ ngày 12-7, do mưa to kéo dài gây ngập úng và sạt lở đất trên địa bàn 25 xã thuộc các huyện Trấn Yên và TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái, làm bị thương 2 người, sập đổ hoàn toàn 11 nhà và hư hỏng 179 nhà dân, 312,7ha lúa và hoa màu bị hư hại, 54,5ha ao nuôi trồng thủy sản bị ngập. Địa phương huy động 334 người (bộ đội và dân quân: 140, lực lượng khác 194), tổ chức di dời 30 hộ dân bị ảnh hưởng do sạt lở, ngập úng đến nơi an toàn, khắc phục hậu quả và ổn định đời sống nhân dân.
Trước đó, ngày 11-7, tại làng Lỷ, xã Nội Thôn, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng xảy ra mưa lớn gây ngập 2 nhà dân, không thiệt hại về người. Địa phương huy động 22 dân quân tổ chức di dời người và tài sản của 2 hộ dân nói trên đến nơi an toàn. Ngày 11-7, tại bản Nà Chá, xã Chiềng Khoa, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La xảy ra lũ làm chết 1 người. Địa phương huy động 51 người (dân quân 31, lực lượng khác 20), tổ chức tìm kiếm vớt thi thể nạn nhân, đưa về gia đình mai táng.
Bộ đội, dân quân ở các địa phương đã tích cực hỗ trợ dân di dời khỏi nơi nguy hiểm, khôi phục sửa chữa nhà cửa, tích cực tham gia khắc phục, sửa chữa hệ thống giao thông. “Bộ đội luôn đi đầu trong việc hỗ trợ, giúp dân khắc phục hậu quả đợt mưa lũ này”, ông Văn Phú Chính nhận xét.
Tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp. Ảnh: TTXVN.
Mưa lũ, sạt lở đất tại tỉnh Hà Giang đã làm 3 người thiệt mạng, 1 người mất tích, 1 người bị thương, nhiều nhà ở, công trình hạ tầng, hoa màu bị hư hỏng… ước tính thiệt hại hơn 10 tỷ đồng. Theo Đại tá Nguyễn Công Dần, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Hà Giang, trước hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do mưa lũ gây ra trên địa bàn, Bộ CHQS tỉnh đã tham mưu cho Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Giang huy động tối đa mọi nguồn lực giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, kịp thời hỗ trợ lương thực, thực phẩm cứu trợ cho các gia đình bị thiệt hại về người và tài sản. Bộ CHQS tỉnh cũng đã chỉ đạo LLVT các huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần, Quang Bình tích cực phối hợp với các lực lượng nhanh chóng khắc phục các điểm sạt lở, khai thông các tuyến đường huyết mạch, không để xảy ra ùn tắc cục bộ. Ông Thèn Ngọc Minh, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang cho biết, những ngày cao điểm mưa lũ vừa qua, Ban CHQS huyện đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các lực lượng nhanh chóng có mặt tại các điểm xung yếu, giúp dân sơ tán đến nơi an toàn; tìm kiếm nạn nhân bị mất tích, nhờ đó đã giảm đáng kể thiệt hại do mưa lũ gây ra.
Tiếp tục nâng cao cảnh giác, đề phòng mưa lũ
Trước tình hình mưa lũ ở các tỉnh miền núi phía Bắc trong thời gian tới còn diễn biến phức tạp, khó lường, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện chỉ đạo, yêu cầu các tỉnh miền núi phía Bắc tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, đặc biệt là công tác tổ chức, bố trí lực lượng canh gác, cảnh báo chặt tại các ngầm, tràn nhằm giảm thiệt hại về người. Thông tin kịp thời cho người dân diễn biến mưa lũ giúp người dân chủ động ứng phó.
Ông Văn Phú Chính cho biết thêm: Hiện nay, một số hồ chứa (hồ thủy điện, hồ thủy lợi) thuộc lưu vực sông Hồng, sông Thái Bình đang đầy nước (4/7 hồ đang xả tràn). Đáng lưu ý, việc xả tràn của hồ ở Tuyên Quang vừa qua với 2 cửa xả đã làm đứt neo cầu phao và trôi 35 lồng bè nuôi thủy sản của người dân. Do các hồ chứa lớn đã đầy nước, có thể phải xả lũ nên tất cả mọi hoạt động (vận tải thủy, khai thác khoáng sản, nuôi thủy sản, các công trình xây dựng…) ở khu vực hạ du hồ chứa ở hai sông này cần phải chuẩn bị sẵn sàng ứng phó khi các hồ xả lũ, đặc biệt là đối với người dân vùng hạ du. Người dân vùng hạ du hai con sông này đã nhiều năm không phải chạy lũ thì năm nay phải sẵn sàng ứng phó khi các hồ chứa trên xả lũ. Đặc biệt hồ Hòa Bình sau nhiều năm không xả lũ thì năm nay có thể phải xả lũ. Hiện nay đang là thời kỳ cao điểm mưa lũ ở các tỉnh phía Bắc, vì vậy người dân các tỉnh miền núi phía Bắc cũng như người dân ở vùng Đồng bằng sông Hồng cần cảnh giác, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.
Cứu trợ các hộ dân bị thiệt hại
Trước tình hình mưa lũ nghiêm trọng ở các tỉnh: Hà Giang, Hòa Bình, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Thái Nguyên, Điện Biên… Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam vừa quyết định hỗ trợ 17 gia đình có nhà bị sập, trôi, mỗi gia đình 3 triệu đồng và hỗ trợ gia đình có người thiệt mạng (3 triệu đồng/người chết). Đồng thời hỗ trợ 28 nhà bạt dựng tạm cho bà con bị cuốn trôi nhà ở tạm thời. Tổng trị giá đợt cứu trợ khẩn cấp của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho các tỉnh miền núi phía Bắc là gần 150 triệu đồng. Cũng trong dịp này, để kịp thời ứng phó với tình huống khẩn cấp, các cấp Hội Chữ thập đỏ các tỉnh Hà Giang, Lai Châu và Thái Nguyên đã cứu trợ người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai với số hàng hóa trị giá 27 triệu đồng.