Để phòng ngừa, ứng phó hiệu quả với TTTNSC gây ra, đồng thời phát huy tốt vai trò chủ lực, nòng cốt của quân đội trong thực hiện nhiệm vụ này, Báo Quân đội nhân dân đã phỏng vấn Thiếu tướng Trương Đức Nghĩa, Ủy viên Thường trực, Chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn (UBQG TKCN), Cục trưởng Cục Cứu hộ-Cứu nạn (CHCN), Bộ Tổng tham mưu về vấn đề này.

 Thiếu tướng Trương Đức Nghĩa.

Phóng viên (PV): Xin đồng chí cho biết về tình hình và hậu quả do TTTNSC gây ra đối với nước ta từ đầu năm đến nay?

Thiếu tướng Trương Đức Nghĩa: Có thể nói, trên phạm vi cả nước, TTTNSC xảy ra hằng ngày, hằng giờ. Trước sự tác động của biến đổi khí hậu, tính chất, mức độ của các vụ việc TTTNSC ngày càng gia tăng, gây ảnh hưởng lớn. Theo số liệu tổng hợp của Văn phòng UBQG TKCN: Từ đầu năm đến nay, trên cả nước đã xảy ra 1.971 vụ TTTNSC, làm chết 456 người, mất tích 109 người, bị thương 558 người, chìm 195 phương tiện, cháy hỏng 209 phương tiện, cháy 100 nhà xưởng, sập đổ 710 nhà dân và tốc mái hư hỏng 18.561 nhà, cháy khoảng 2.245ha rừng và thảm thực vật, hư hại 198.035ha hoa màu; thiệt hại về tài sản trị giá hàng nghìn tỷ đồng. Đáng chú ý trong hai cơn bão số 1, số 2 vừa qua, mặc dù đã được dự báo, cảnh báo và phòng, chống khá tích cực, chủ động nhưng vẫn làm chết, làm bị thương hơn chục người, thiệt hại về tài sản lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Một số vụ cháy nổ, sập đổ công trình đã gây thiệt hại lớn, điển hình mới đây nhất là vụ sập nhà ở số 43, Cửa Bắc (Hà Nội) ngày 4-8, mặc dù có sự ứng cứu kịp thời của quân đội và các lực lượng chức năng, song vẫn còn 2 người chết. Vụ cháy ngày 31-7, tại nhà số 91, đường Phan Bội Châu, phường 7, TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau), cũng đã làm 6 người chết. Hiện tại, chúng ta đang tổ chức khắc phục hậu quả mưa lũ ở Lào Cai và các tỉnh miền núi phía Bắc, con số thiệt hại về người tính đến hôm nay là: 7 người chết, 7 người mất tích, 16 người bị thương, thiệt hại về tài sản khoảng 200 tỷ đồng…

PV: Với vai trò chủ lực trong công tác này, Quân đội ta đã làm gì để phòng, chống TTTNSC, thưa đồng chí?

Thiếu tướng Trương Đức Nghĩa: Phòng, chống TTTNSC luôn là công việc được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Thực hiện nhiệm vụ này, Chính phủ đã thành lập UBQG TKCN và hệ thống tổ chức TKCN ở các bộ, ngành Trung ương và địa phương cùng phối hợp thực hiện. Đối với Quân đội ta, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các đơn vị xác định rõ nhiệm vụ phòng, chống TTTNSC là “nhiệm vụ chiến đấu thời bình của quân đội”. Các đơn vị toàn quân, bên cạnh nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu luôn sẵn sàng tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả TTTNSC để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, Bộ Quốc phòng đã giao cho Cục CHCN (Bộ Tổng tham mưu) đồng thời đảm nhiệm chức năng, nhiệm vụ Văn phòng UBQG TKCN, có nhiệm vụ tham mưu cho Chính phủ, Bộ Quốc phòng trong công tác chỉ đạo, tổ chức phòng, chống TTTNSC trong phạm vi toàn quốc, toàn quân. Bộ Quốc phòng còn chỉ đạo, tổ chức ra cơ quan CHCN các cấp, các lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm trong công tác phòng, chống TTTNSC và tiến hành huấn luyện, diễn tập thường xuyên để nâng cao trình độ, khả năng đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ.

Trong các vụ việc TTTNSC xảy ra, Quân đội ta luôn là lực lượng chủ lực, nòng cốt trong phòng, chống, khắc phục hậu quả. Cùng với các lực lượng chức năng được huy động theo phương châm “4 tại chỗ”, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị luôn có mặt CHCN kịp thời. Chỉ tính trong 7 tháng đầu năm nay, toàn quân đã huy động 117.142 cán bộ, chiến sĩ, 6.502 phương tiện, chỉ đạo ứng phó, xử lý hiệu quả và TKCN 1.597 vụ việc, với 3.578 người, 187 phương tiện liên quan đến TTTNSC. Biên phòng các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn 74.596 phương tiện với 319.985 người biết diễn biến, hướng di chuyển của bão, áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh. Không quản ngại khó khăn, vất vả, hiểm nguy, cán bộ, chiến sĩ quân đội luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân. Chúng ta có thể thấy rất rõ điều này khi nhìn những hình ảnh cán bộ, chiến sĩ quân đội CHCN trong cơn bão số 1, vụ sập nhà ở số 43, Cửa Bắc (Hà Nội), mưa lũ ở Lào Cai và các tỉnh miền núi phía Bắc trong những ngày vừa qua.

Cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 2 cùng các lực lượng giúp dân khắc phục hậu quả sau mưa lũ tại Lào Cai. Ảnh: Hồng Sáng.

Bên cạnh đó, thời gian qua, một số đơn vị quân đội được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ, còn tích cực huấn luyện, tham gia các cuộc diễn tập CHCN, phòng, chống TTTNSC ở trong và ngoài nước, qua đó, nâng cao trình độ, khả năng đáp ứng với những tình huống cao hơn và được bạn bè quốc tế đánh giá cao.

PV: Để chủ động phòng, chống kịp thời, hiệu quả với TTTNSC trong thời gian tới, chúng ta cần thực hiện những biện pháp gì?

Thiếu tướng Trương Đức Nghĩa: Trước sự tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, dự báo tình hình TTTNSC từ nay đến cuối năm và trong những năm tới sẽ còn diễn biến phức tạp, đòi hỏi chúng ta phải chủ động phòng, chống với những biện pháp đồng bộ, quyết liệt hơn.

Trước tiên chúng ta phải luôn chủ động phòng, chống TTTNSC, khắc phục tâm lý chủ quan, bị động, “nước đến chân mới nhảy” trong việc ứng phó với TTTNSC. Việc này cần phải bắt đầu từ việc nâng cao ý thức, trách nhiệm tất cả các bộ, ngành, địa phương, của cán bộ các cấp đến từng người dân. Nếu chúng ta luôn dự báo đúng, thông tin chính xác, kịp thời và mỗi người luôn có ý thức chủ động phòng, chống, có những kiến thức, kỹ năng phòng ngừa TTTNSC thì khi có vụ việc xảy ra sẽ phòng, chống kịp thời, hiệu quả, góp phần giảm bớt thiệt hại.

Cùng với tiếp tục tăng cường hơn nữa hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong công tác phòng, chống TTTNSC, chúng ta cần tiếp tục thực hiện thật tốt việc huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân và các lực lượng chức năng theo phương châm “4 tại chỗ”. Trong nhiều vụ việc TTTNSC xảy ra, lực lượng tại chỗ là người cung cấp thông tin, CHCN đầu tiên, kịp thời và hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, chúng ta cần phát huy tốt vai trò của các lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm, được tổ chức chặt chẽ, huấn luyện chu đáo, trang bị hiện đại, chuyên nghiệp làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ. TTTNSC xảy ra rất bất ngờ, do đó lực lượng nòng cốt phải được tổ chức huấn luyện chu đáo, trực CHCN thường xuyên, liên tục 24/24 giờ, để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ trong mọi tình huống, với thời gian nhanh nhất, đồng thời tùy theo tính chất sự việc để có biện pháp ứng cứu phù hợp, hiệu quả, hiệp đồng, phối hợp chặt chẽ trong đơn vị và các lực lượng khác. Những biện pháp trên cũng là những kinh nghiệm, cách làm hiệu quả của các đơn vị trong công tác phòng, chống TTTNSC vừa qua.

Quân đội ta là lực lượng chủ lực trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống TTTNSC. Vì vậy, các đơn vị cần làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ trong thực hiện nhiệm vụ. Chỉ huy đơn vị, nhất là Ban CHQS các cấp tích cực làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và chủ động xây dựng, rà soát, bổ sung kế hoạch, phương án, tăng cường huấn luyện, diễn tập cho bộ đội để khi có tình huống xảy ra sẽ luôn cơ động nhanh, CHCN kịp thời, phối hợp hiệu quả, thực hiện tốt nhiệm vụ, bảo đảm an toàn. Vai trò nòng cốt của quân đội còn được thể hiện bằng chính công tác chỉ huy, chỉ đạo, tổ chức hiệp đồng, phối hợp tổ chức lực lượng của các đơn vị và hiệu quả CHCN trong mỗi vụ việc TTTNSC. Do đó, người chỉ huy phải có trách nhiệm làm tốt và tổ chức cho đơn vị thực hiện tốt, đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống TTTNSC ngày càng khó khăn, nặng nề hơn. Cùng với đó, chúng ta cần tiếp tục tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm về phòng, chống TTTNSC của các nước tiên tiến trên thế giới và khu vực để nâng cao trình độ, khả năng đáp ứng với diễn biến tình hình TTTNSC ngày càng gia tăng.

Hiện tại đang là thời gian cao điểm của mùa mưa bão trong năm, tôi đề nghị các địa phương, đơn vị cần tăng cường chủ động phòng ngừa, kiểm tra, rà soát và ứng cứu kịp thời với các tình huống TTTNSC; tổ chức tuyên truyền, nhân rộng các kinh nghiệm hay, cách làm tốt, biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân trong công tác này. Bên cạnh đó, chúng ta tiếp tục quan tâm, đầu tư trang thiết bị và chuẩn bị lượng trang bị, vật chất, hậu cần dự trữ phù hợp để ứng phó kịp thời, hiệu quả với các tình huống TTTNSC…

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

XUÂN DÂN – CHUNG THỦY (thực hiện)