Phóng viên (PV): Đề nghị đồng chí đánh giá về tình hình TT, TN, SC trong năm 2016?

Thiếu tướng Trương Đức Nghĩa: Năm qua tình hình TT, TN, SC diễn biến hết sức phức tạp, khó lường ngay từ những tháng đầu năm cho đến những ngày cuối cùng của năm 2016 và vắt sang năm 2017 với những diễn biến, ảnh hưởng của tình hình mưa lũ, lũ chồng lũ ở miền Trung. Những diễn biến khó lường của thời tiết trên thực tế đã diễn ra với tính chất, mức độ, gây hậu quả lớn hơn nhiều so với dự báo. Ngoài 10 cơn bão, nhiều đợt áp thấp nhiệt đới, trong năm còn xảy ra tình hình hạn hán dài ngày ở Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, nước biển xâm nhập tại các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long. Các sự cố về sập đổ công trình; cháy nổ, cháy rừng; sự cố môi trường; tai nạn đường không, trên sông, trên biển gia tăng gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của nhân dân.

PV: Vậy chúng ta đã phòng, chống thế nào để giảm thiệt hại cho Nhà nước và nhân dân?

Thiếu tướng Trương Đức Nghĩa.

Thiếu tướng Trương Đức Nghĩa: Có thể khẳng định mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng công tác phòng, chống TT, TN, SC để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân luôn được Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương đặc biệt quan tâm. Tiếp theo các chủ trương, chính sách, giải pháp đồng bộ đã được triển khai, ban hành, trong năm qua, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 3-2-2016 về việc tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn giai đoạn 2016-2020. UBQG TKCN cũng đã phối hợp với các cơ quan chức năng của các bộ, ngành, địa phương hoàn chỉnh văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực ứng phó thiên tai, thảm họa và TKCN… Công tác chỉ đạo phòng, chống TT, TN, SC được tiến hành quyết liệt, cụ thể mỗi khi có TT, TN, SC xảy ra. Chính phủ, Bộ Quốc phòng, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành hàng trăm công điện, văn bản chỉ đạo và trực tiếp xuống hiện trường nắm hình hình thực tế, chỉ đạo phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả kịp thời khi có các vụ việc xảy ra. Phát huy sức mạnh tổng hợp theo phương châm “4 tại chỗ”, tính đến ngày 15-12-2016, cả nước đã huy động hơn 197.000 lượt người; hơn 14.240 lượt phương tiện các loại tham gia xử lý, khắc phục TT, TN, SC. Các lực lượng đã tổ chức ứng phó, xử lý hiệu quả 789 vụ việc, làm giảm nhiều thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân.

PV: Với vai trò chủ lực trong phòng, chống TT, TN, SC, Quân đội ta đã có những đóng góp như thế nào trong công tác này?

Thiếu tướng Trương Đức Nghĩa: Phòng, chống TT, TN, SC được xác định là “nhiệm vụ chiến đấu thời bình” của Quân đội ta. Tiếp tục phát huy truyền thống, kết quả đạt được, năm qua cán bộ, chiến sĩ toàn quân đã nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Dễ thấy, ở đâu có TT, TN, SC là ở đó có mặt của cán bộ, chiến sĩ quân đội cùng kề vai, sát cánh, vượt qua gian khó, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân. Toàn quân đã huy động hơn 137.700 lượt cán bộ, chiến sĩ, trong đó có hơn 61.270 bộ đội và hơn 68.550 dân quân tự vệ cùng 11.102 lượt phương tiện. Các đơn vị đã tham gia xử lý, ứng phó hiệu quả với 2.112 vụ việc.

Trong TT, TN, SC, cán bộ, chiến sĩ quân đội đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức di dời, sơ tán gần 30.000 hộ dân ra khỏi những vùng nguy hiểm, thông báo, hướng dẫn cho hơn 571.840 lượt tàu thuyền với gần 2 triệu lượt ngư dân hoạt động trên biển chủ động phòng, tránh bão, áp thấp nhiệt đới. Đặc biệt, trước tình hình hạn hán ở các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long, các đơn vị quân đội đã kịp thời vận chuyển 153.975m3 nước sạch, đào đắp, nạo vét gần 57km kênh mương, hơn 970 giếng nước ăn giúp nhân dân. Bộ Quốc phòng và các đơn vị trong toàn quân đã ủng hộ kịp thời cho nhân dân các địa phương hàng chục tỷ đồng và nhiều lương thực, thực phẩm, hàng hóa giúp nhân dân nhanh chóng ổn định cuộc sống, sản xuất.

PV: Chúng ta cần thực hiện những biện pháp gì để phòng ngừa, giảm thiệt hại do TT, TN, SC gây ra, thưa đồng chí?

Thiếu tướng Trương Đức Nghĩa: Theo dự báo những năm tới, do tác động của biến đổi khí hậu, tình hình thời tiết, khí tượng, thủy văn có nhiều khả năng diễn biến rất phức tạp, cực đoan và khó lường; có khả năng xuất hiện nhiều cơn bão và áp thấp nhiệt đới. Các loại hình thiên tai như: Giông lốc, mưa đá, lũ ống, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất đá, giá rét, nắng nóng, hạn hán có chiều hướng gia tăng… Do đó, công tác phòng, chống TT, TN, SC phải tiến hành thường xuyên, liên tục, tích cực, chủ động, kịp thời trong mọi điều kiện hoàn cảnh. Trọng tâm là làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và mọi người dân, phát huy vai trò, sức mạnh tổng hợp trong công tác. Nâng cao khả năng phòng ngừa và xử lý kịp thời, linh hoạt, hiệu quả khi có tình huống TT, TN, SC nảy sinh của các lực lượng chức năng, dưới sự điều hành của Chính phủ, sự chỉ đạo của các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương và vai trò nòng cốt trong tham mưu của quân đội, công an và các lực lượng chức năng…

Đối với Quân đội ta, để tiếp tục phát huy vai trò chủ lực, thực hiện tốt nhiệm vụ, các cơ quan, đơn vị cần duy trì thường xuyên, nền nếp chế độ trực cứu hộ, cứu nạn; chủ động sẵn sàng lực lượng, phương tiện; tổ chức huấn luyện, diễn tập chặt chẽ, chu đáo, chất lượng; nâng cao hiệu quả tham mưu, tổ chức, chỉ huy phối hợp hiệp đồng với các bộ ngành, địa phương, các lực lượng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ và chủ động nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về cứu hộ, cứu nạn. Từng cán bộ, chiến sĩ cần nêu cao hơn nữa tinh thần “vì nhân dân quên mình”, chủ động, sẵn sàng vượt qua gian khó, hiểm nguy để giúp đỡ nhân dân trong mọi tình huống TT, TN, SC, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, góp phần bảo đảm sự ổn định phát triển của đất nước…

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!