Triển khai khẩn trương, đồng bộ trong xử lý sự cố vỡ ống công trình Thủy điện Sông Bung 2

Cập nhật lần cuối: 14 Tháng Mười, 2022

QĐND Online – Sau sự cố vỡ ống công trình Thủy điện Sông Bung 2 (huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam), phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Trương Đức Nghĩa, Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn (TKCN), Cục trưởng Cục Cứu hộ-Cứu nạn (Bộ Tổng tham mưu) về một số vấn đề rút ra sau sự cố đáng tiếc này.

Thiếu tướng Trương Đức Nghĩa. 

Phóng viên (PV): Sau sự cố vỡ ống công trình Thủy điện Sông Bung 2 (huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam), qua kiểm tra thực tế tại hiện trường, đồng chí có ghi nhận gì qua sự việc.

Thiếu tướng Trương Đức Nghĩa: Sự việc xảy ra ở công trình Thủy điện Sông Bung 2 là sự cố đáng tiếc làm mất tích 2 công nhân, gây thiệt hại một số trang thiết bị, tài sản của Nhà nước; tạo thông tin 21 người không rõ tung tích đã tác động lớn trong dư luận xã hội. Trước sự việc này, Chính phủ đã có sự chỉ đạo rất kịp thời và kiên quyết. Tỉnh Quảng Nam đã triển khai đồng bộ, quyết liệt từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt là huyện Nam Giang. Quân khu 5 đã có chỉ đạo chặt chẽ, kịp thời. LLVT tỉnh Quảng Nam đã tích cực, chủ động, thực sự là lực lượng nòng cốt trong xử lý sự việc. Chính vì vậy, chỉ trong thời gian ngắn, các đồng chí ở địa phương tỉnh Quảng Nam và các lực lượng khác tại hiện trường đã làm chủ được tình hình, ngăn chặn được nguy cơ do lũ đến từ sự cố, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho nhân dân vùng hạ du. Các lực lượng đã phối hợp chặt chẽ, nhanh chóng xác minh được 21 người an toàn, giải tỏa được tâm lý trong xã hội; xác định các biện pháp tích cực tìm kiếm 2 người còn mất tích.

Có thể nói, đây là sự cố đáng tiếc nhưng hoạt động tìm kiếm cứu nạn được các lực lượng triển khai rất tích cực, khẩn trương, đồng bộ và hợp lý trên khu vực cách rất xa khu trung tâm. Qua sự cố này, cho thấy sự đồng bộ trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ, sự gắn kết các lực lượng của tỉnh, của huyện, lực lượng vũ trang, Bộ đội Biên phòng, Công an, dân quân, lực lượng thi công công trình; đặc biệt là sự hỗ trợ rất tích cực của nhân dân địa phương. Do đó chúng ta đã tránh được các thảm họa, giải quyết nhanh các vấn đề nảy sinh từ sự cố, ổn định được tình hình.

Hai bờ sông Bung sau sự cố vỡ ống công trình Thủy điện Sông Bung 2. 

PV: Từ sự cố này, đồng chí có những khuyến cáo gì để không lặp lại những sự cố như ở công trình Thủy điện Sông Bung 2.

Thiếu tướng Trương Đức Nghĩa: Để tránh xảy ra những sự cố đáng tiếc như ở công trình Thủy điện Sông Bung 2, trước hết chúng ta phải quán triệt nghiêm túc Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Tức là phải làm rõ được nguyên nhân, có biện pháp xử lý chặt chẽ đến nơi, đến chốn. Trong đó, phải thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ từ khâu xây dựng, thiết kế đến triển khai thi công, vận hành các hệ thống nhà máy thủy điện. Đồng thời, đối với các công trình thủy điện như dạng này phải có phương án dự phòng để khi có sự cố xảy ra bảo đảm an toàn cho các lực lượng thi công và nhân dân ở vùng có liên quan. Đặc biệt phải có phương án phối hợp lực lượng chặt chẽ, đồng bộ, đoàn kết cộng đồng trách nhiệm cao giữa các lực lượng của địa phương “4 tại chỗ”, lực lượng trên tăng cường, lực lượng quân đội, công an và các lực lượng có thể huy động được tạo thành sức mạnh tổng hợp để nhanh chóng triển khai nhịp nhàng, thống nhất dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung của cấp ủy, chính quyền địa phương, vai trò làm nòng cốt trong chỉ huy của cơ quan quân sự và sự phối hợp của các lực lượng khác. Giải quyết chặt chẽ giữa công tác chỉ huy lực lượng, công tác chính sách, công tác xã hội, bảo đảm an ninh, an toàn trật tự thì chúng ta sẽ tạo được sức mạnh tổng hợp để xử lý kịp thời các tình huống, các sự cố có thể xảy ra.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!