UỶ BAN QUỐC GIA TÌM KIẾM CỨU NẠN
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
|
Số: 02/BCTK-UB |
Hà Nội, ngày 09 tháng 9 năm 2015 |
BÁO CÁO TỔNG KẾT
Rút kinh nghiệm công tác tìm kiếm cứu nạn, ứng phó lũ quét,
sạt lở đất, sự cố hầm mỏ đợt mưa lũ từ 24/7- 6/8/2015.
Do ảnh hưởng của rãnh thấp có trục đi qua khu vực Bắc Bộ, từ ngày 24/7 đến 06/8/2015, tại các tỉnh Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to, nhiều nơi mưa rất to. Đặc biệt tại Quảng Ninh đã xảy ra đợt mưa lũ lịch sử về cường suất và tổng lượng, mưa lớn tập trung, dồn dập trong thời gian ngắn. Theo đánh giá đây là đợt mưa lớn nhất, hiếm gặp trong vòng hơn 50 năm qua, cùng với đó là hệ quả rất nghiêm trọng về ngập lụt, lũ quét, sạt lở; nhiều khu vực bị chia cắt, cô lập; sự cố hầm mỏ ngành than… tại Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Thanh Hóa.
Đợt mưa lũ đã gây thiệt hại nặng về người và tài sản, cụ thể:
– Về người: Chết 34 người (Quảng Ninh 17; Cao Bằng 03; Lạng Sơn 03; Bắc Giang 03; Thanh Hóa 03; Lai Châu 02; Sơn La 01; Yên Bái 01; Tuyên Quang 01).
+ Mất tích: 08 người (Lạng Sơn 01; Thanh Hóa 07, trong đó có 06 người bị chìm tàu cá TH 91287 ngày 27/7 tại vùng biển Quảng Ninh).
+ Bị thương 19 người (Quảng Ninh 07, Điện Biên 04, Cao Bằng 04, Lào Cai 02, Hà Giang 01, Lạng Sơn 01)
– Ngành than bị thiệt hại khoảng 300.000 tấn than; ngập hầm lò Công ty than Mông Dương và Quang Hanh; mỏ Mông Dương xảy ra sự cố nguy cơ vỡ đập ngăn bãi thải.
– Tổng thiệt hại về tài sản ước tính hơn 4.600 tỷ đồng.
I. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO ỨNG PHÓ, TÌM KIẾM CỨU NẠN VÀ KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC
Ngay khi có thông tin về tình hình mưa lũ bất thường, với chức năng là cơ quan phối hợp liên ngành, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Ủy ban Quôc gia Tìm kiếm Cứu nạn đã kịp thời tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và phối hợp với Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương, các đơn vị quân đội, công an, các lực lượng đứng chân trên địa bàn triển khai kịp thời, quyết liệt công tác ứng phó với mưa lũ và tìm kiếm cứu nạn.
Thủ tướng Chính phủ có 03 công điện số 1192 ngày 28/7; số 1199 ngày 28/7; số 1257 ngày 02/8/2015. UBQG Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn và Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai có 02 công điện số 11 ngày 28/7, số 12 ngày 30/7/2015. Bộ Quốc phòng có 03 điện số 43, 44 ngày 28/7 và số 45 ngày 02/8/2015 chỉ đạo triển khai tích cực các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lớn, lũ quét, sạt lở và tìm kiếm cứu nạn.
Đặc biệt, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã phối hợp với Bộ Quốc phòng cử đoàn công tác đến Quảng Ninh chỉ đạo Bộ tư lệnh Quân khu 3 thành lập Sở chỉ huy phía trước tại Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ninh trực tiếp chỉ đạo và hỗ trợ Chính quyền, nhân dân trên địa bàn ứng phó mưa lũ và tìm kiếm cứu nạn.
Các Bộ, ngành, địa phương đã có điện chỉ đạo và cử các đoàn công tác kiểm tra, làm tốt công tác phối hợp, triển khai các biện pháp ứng phó, tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả mưa lũ gây ra, góp phần quan trọng trong việc hạn chế, giảm thiệt hại do mưa lũ gây ra, cụ thể:
Đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương huy động: 23.303 lượt người (Bộ đội 8.613, Dân quân 11.347, lực lượng tại chỗ 3.343) của Quân khu 3, Quân chủng Hải quân, Phòng không – Không quân; BTL Bộ đội Biên phòng; Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam; Công ty Than Đông Bắc; BCH PCTT – TKCN các tỉnh Quảng Ninh, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh; và 433 lượt phương tiện các loại (ô tô: 258; máy xúc: 70; máy gạt 8; tàu 17; xuồng 72; xe lội nước 08).
Tổ chức hỗ trợ, giúp dân sơ tán, di dời được 2.342 hộ/8.242 người từ khu vực ngập lụt, sạt lở đến nơi an toàn; Bộ Quốc phòng chỉ đạo Quân chủng Hải quân phối hợp với Bộ đội Biên phòng và Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh sử dụng tàu HQ634 vận chuyển 04 chuyến/1.672 khách du lịch bị mắc kẹt trên đảo Cô Tô về bờ an toàn.
II. ĐÁNH GIÁ CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, TỔ CHỨC TÌM KIẾM CỨU NẠN
1. Ưu điểm
Công tác chỉ đạo, triển khai ứng phó với mưa lũ đồng bộ, quyết liệt từ Trung ương đến địa phương: Chính phủ, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, Ban Chỉ đạo TW về PCTT, các Bộ, ngành; lực lượng địa phương và các đơn vị quân đội, công an đứng chân trên địa bàn đã chủ động và trực tiếp tham gia ứng phó và tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ cấp ủy, chính quyền, nhân dân sơ tán, di dời và khắc phục có hiệu quả suốt hai đợt mưa lũ.
Các Bộ, ngành, địa phương chấp hành, triển khai nghiêm túc, chặt chẽ các công điện của Thủ tướng Chính phủ, của UBQG TKCN và BCĐTW về PCTT; duy trì trực ban nghiêm túc, nắm bắt đầy đủ diễn biến mưa lũ; phân công các đồng chí lãnh đạo trực tiếp tới các hiện trường, các trọng điểm trực tiếp chỉ huy, điều hành; chủ động, linh hoạt, huy động tập trung lực lượng, phương tiện, trang bị; phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng để sơ tán, di dời dân và tìm kiếm cứu nạn tại các vùng ngập lụt, lũ quét, sạt lở; ứng phó sự cố hầm mỏ; ứng cứu các khu vực bị cô lập, chia cắt và các đảo kịp thời, hiệu quả.
Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chủ động điều động lực lượng, phương tiện đến các khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp để ứng phó và tìm kiếm cứu nạn; Bộ Công thương nắm bắt nhanh chóng diễn biến mưa lũ, cử các đoàn công tác và các chuyên viên trực tiếp tới các mỏ để chỉ đạo Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam xử lý, giải quyết ngay khi có nguy cơ mất an toàn; đặc biệt phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quân đội/Quân khu 3 và BCH PCTT-TKCN tỉnh Quảng Ninh huy động lực lượng, phương tiện triển khai kịp thời các biện pháp ứng cứu mỏ và đã giữ vững được Đập 790 mỏ than Mông Dương không bị vỡ.
Bộ Tư lệnh Quân khu 3 thành lập Sở chỉ huy phía trước và cơ động linh hoạt tới các trọng điểm mưa lũ để trực tiếp chỉ huy ứng phó; phối hợp chặt chẽ với Quân chủng Hải quân, BTL Bộ đội Biên phòng và lực lượng tại chỗ; chỉ huy, điều hành các đơn vị huy động lực lượng, phương tiện cao nhất giúp chính quyền các địa phương sơ tán dân và tìm kiếm cứu nạn, sau mưa lũ tiếp tục giúp dân khắc phục hậu quả.
Các địa phương, đơn vị khu vực ảnh hưởng của mưa lũ, đặc biệt là tỉnh Quảng Ninh đã huy động tối đa nguồn lực; theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ để chủ động ứng phó, tìm kiếm cứu nạn; kịp thời, sâu sát đến từng địa bàn triển khai các phương án phòng chống ngập lụt, sạt lở, sơ tán dân ra khỏi vùng có nguy cơ đến nơi an toàn; bảo đảm về y tế, lương thực, thực phẩm, nước uống, quần áo, hàng hóa thiết yếu; tổ chức cứu trợ cho các gia đình nạn nhân, gia đình bị thiệt hại.
2. Hạn chế, tồn tại
Công tác dự báo, cảnh báo với mưa lớn, lũ quét, sạt lở còn hạn chế, trên thực tế mới chỉ đưa ra được những cảnh báo chung đối với một khu vực, một vùng. Thông tin về diễn biến mưa lũ, sạt lở, ngập lụt chưa kịp thời, đầy đủ, nhiều nơi thông tin từ phường – xã chưa đến được cấp thôn – bản và người dân, hộ gia đình do thiếu thiết bị truyền thông. Công tác tuyên truyền các biện pháp chỉ đạo, hướng dẫn phòng tránh, ứng phó, cứu hộ cứu nạn chưa thường xuyên, kiên quyết, đặc biệt là ở khu vực thưa dân, vùng hẻo lánh, cách trở.
Quy hoạch phát triển một số ngành, lĩnh vực; xây dựng cơ sở hạ tầng; phát triển sản xuất; bố trí dân cư còn bất cập, chưa quan tâm gắn với công tác phòng chống, giảm nhẹ thiên tai và tìm kiếm cứu nạn hoặc can thiệp chưa đúng mực với quy luật tự nhiên, cũng như các yếu tố gây ra ngập lụt, sạt lở, lũ quét. Một số địa phương xây dựng phương án ứng phó với thiên tai theo các cấp độ chưa sát với thực tế, nên triển khai ứng phó và tìm kiếm cứu nạn còn lúng túng, bị động. Đặc biệt, công tác bảo đảm an toàn các hầm mỏ và xây các bãi thải của ngành than còn bộc lộ nhiều khiếm khuyết, tiểm ẩn sự cố nghiêm trọng, đe dọa đến an toàn trong sản xuất và các khu dân cư.
Phối hợp, hiệp đồng trong ứng phó, tìm kiếm cứu nạn giữa các cấp, các ngành, các lực lượng cùng thực hiện nhiệm vụ trên một số khu vực những ngày đầu thiếu chặt chẽ, thống nhất; một số địa phương chưa phát huy được cơ quan và lực lượng thường trực tìm kiếm cứu nạn, đề nghị cứu hộ cứu nạn không đúng cơ quan chức năng, gây khó khăn trong chỉ đạo, điều hành; công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền sử dụng lực lượng trên địa bàn chưa kịp thời; chưa chủ động, linh hoạt bố trí lực lượng, phương tiện tại khu vực trọng điểm; bảo đảm trang bị, công cụ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo phương châm “4 tại chỗ” còn thiếu, chưa đáp ứng. Công tác tuyên truyền hình ảnh Bộ đội và các lực lượng tham gia ứng phó, tìm kiếm cứu nạn có thời điểm chưa đầy đủ, kịp thời, nhất là ở một số địa bàn trọng điểm, khó khăn.
Những ngày đầu mưa lũ công tác tổ chức sơ tán, di dời dân triển khai chưa quyết liệt khi người dân và chính quyền cơ sở chưa cảm nhận thấy mức độ nghiêm trọng và hậu quả có thể xảy ra do đợt mưa lũ lớn, kéo dài với cường suất rất lớn; một bộ phận người dân còn bất cẩn, thiếu kiến thức và ý thức tự bảo vệ, tự phòng tránh mưa lũ và các hình thể thời tiết nguy hiểm dẫn tới thiệt hại về người và tài sản.
III. MỘT SỐ KINH NGHIỆM RÚT RA
– Phải luôn luôn chủ động trong chỉ đạo, điều hành ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; chủ động trong dự báo, cảnh báo, nắm chắc tình hình khí tượng, thủy văn và diễn biến mưa lũ; chủ động trong thông tin, truyền tin, chủ động kiểm tra, cập nhật các khu vực có nguy cơ trên cơ sở đó để chủ động tổ chức sơ tán, di dời bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân khi có mưa lũ, bão; chủ động thực hiện tốt công tác chuẩn bị theo phương châm “4 tại chỗ”. Đặc biệt phải chủ động xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống, ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; tổ chức kiểm nghiệm, diễn tập phương án và hiệp đồng lực lượng chặt chẽ, thống nhất.
– Đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong công tác chỉ đạo, điều hành từ Trung ương tới địa phương và xuống tới cơ sở; đồng bộ trong đánh giá tình hình, đề ra biện pháp ứng phó, xử lý; đồng bộ trong phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng tại chỗ và lực lượng tăng cường, giữa lực lượng vũ trang với cấp ủy, chính quyền. Quá trình chỉ đạo, tổ chức ứng phó, tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả phải quyết liệt, đồng bộ, thống nhất.
– Công tác tổ chức chỉ huy, chỉ đạo ứng phó và tìm kiếm cứu nạn phải nhanh nhạy, kiên quyết, phù hợp với diễn biến thực tiễn; kịp thời huy động các nguồn lực, các lực lượng, phương tiện của các ngành, các đơn vị. Đặc biệt, phải đảm bảo tính hiệu quả, tính khả thi cao nhất đối với các chủ trương, biện pháp đã thống nhất, phát huy sức mạnh tổng hợp, đồng thời xác định rõ tránh nhiệm người đứng đầu từng địa phương, đơn vị.
– Quan tâm hơn nữa công tác tuyên truyền, đưa tin, phản ánh kịp thời, sâu rộng về các hoạt động ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai trên các phương tiện thông tin truyền thông; động viên, khen thưởng và chăm lo, bảo đảm chính sách đối với các lực lượng, các tập thể và cá nhân có thành tích trong ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
IV. ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ
1. Tăng cường công tác cảnh báo diễn biến của mưa lũ, thiên tai trên các phương tiện thông tin truyền thông cấp phường – xã, thôn – bản để các ban, ngành và người dân biết, chủ động phòng tránh, ứng phó; đặc biệt phải làm tốt hơn công tác chuẩn bị tại từng địa bàn trước khi có mưa lũ; tránh ý thức chủ quan, bất cẩn khi mưa, lũ dẫn đến thiệt hạị đáng tiếc về người và tài sản.
2. Các Đoàn công tác đi chỉ đạo, kiểm tra công tác ứng phó mưa lũ cần quan tâm hơn đến khu vực dễ xảy ra sạt lở, ngập lụt, vùng núi, vùng đồng bào dân tộc vì thông tin dự báo, cảnh báo mưa lũ, sạt lở đất chưa đến được với người dân; công tác triển khai của các cấp chưa thực sự quyết liệt, đồng bộ.
3. Các Bộ, ngành cần quan tâm chỉ đạo, triển khai xây dựng Kế hoạch ứng phó với tình huống cơ bản cấp quốc gia theo chức năng quản lý của Bộ, ngành mình; các địa phương xây dựng Phương án ứng phó tương ứng với các cấp độ rủi ro thiên tai. Làm tốt công tác chuẩn bị và sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư thiết yếu đáp ứng yêu cầu ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
4. Các địa phương, đơn vị khi thực hiện nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cần chủ động, linh hoạt, sáng tạo và phù hợp với diễn biến của mưa lũ, sự cố trên từng địa bàn; phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ khi tham gia ứng cứu, tìm kiếm cứu nạn các tình huống đột biến khi xảy ra, đặc biệt là công tác tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả khi bị ngập lụt, sạt lở, lũ quét.
5. Đối với các cấp chính quyền cần quán triệt thực hiện tốt hơn phương châm “4 tại chỗ”» và vận dụng đầy đủ nguyên tắc đã được quy định trong Luật Phòng, chống thiên tai, đó là: Phòng, chống thiên tai là trách nhiệm của Nhà nước, tổ chức, cá nhân, trong đó Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, tổ chức và cá nhân chủ động, cộng đồng giúp nhau./.
ỦY BAN QUỐC GIA TÌM KIẾM CỨU NẠN
|