Từ đầu năm 2016 đến nay, tình hình thời tiết luôn diễn biến phức tạp. Tuy không phải là địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các cơn bão vừa qua, nhưng trên địa bàn tỉnh Hải Dương có thời điểm vẫn có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to kèm theo gió lốc, mực nước các sông dâng cao ở mức dưới báo động cấp 1 trong các cơn bão số 1 và số 2.

Ảnh hưởng của cơn bão số 2 còn gây ra lốc xoáy, làm tốc mái hơn 400 công trình, trong đó 70 nhà ở và 330 công trình phụ, đổ 11 cột điện hạ thế, làm 1 người bị thương, ngập úng cục bộ khoảng 100ha hoa màu tại huyện Kim Thành. Bộ CHQS tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo Ban CHQS huyện Kim Thành kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và huy động gần 200 cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ tham gia khắc phục hậu quả, góp phần giảm bớt thiệt hại do thiên tai gây ra.
Những năm qua, Bộ CHQS tỉnh Hải Dương luôn chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch phòng, chống lụt bão, tìm kiếm, cứu nạn (PCLB-TKCN) với những biện pháp cụ thể, chặt chẽ. Thực hiện tư tưởng chỉ đạo “Phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, lực lượng vũ trang, các lực lượng đoàn thể quần chúng làm nòng cốt trong công tác PCLB-TKCN” và tích cực chủ động phòng, chống, ứng cứu kịp thời, khắc phục hậu quả nhanh chóng theo phương châm “4 tại chỗ”, đơn vị đã tích cực triển khai chuẩn bị lực lượng, phương tiện, tăng cường luyện tập, diễn tập và thực hiện tốt công tác dự báo và phòng, chống, ứng cứu khắc phục hậu quả thiên tai. Thượng tá Nguyễn Trung Dũng, Trưởng ban Tác huấn, Phòng Tham mưu, Bộ CHQS tỉnh Hải Dương cho biết: Hàng năm, cơ quan đã tham mưu cho Bộ CHQS tỉnh điều chỉnh các kế hoạch phòng, chống giảm nhẹ thiên tai, TKCN, hiệp đồng chặt chẽ với các sở, ban, ngành của tỉnh và các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn. Cơ quan quân sự các cấp đã tham mưu cho chính quyền địa phương chỉ đạo tổ chức diễn tập phòng, chống giảm nhẹ thiên tai, TKCN đối với các huyện, thành phố, thị xã, mỗi huyện đều tổ chức diễn tập tại một xã trọng điểm… nhờ đó, khi có tình huống xảy ra, các lực lượng luôn phối hợp chặt chẽ, thực hiện hiệu quả, góp phần giảm bớt thiệt hại cho nhân dân.
Tỉnh Hải Dương có gần 257km đê, 61 tuyến kè và 27 cống dưới đê, trong đó có 4 trọng điểm được xác định có khả năng gây ra sự cố trên địa bàn tỉnh. Để ứng cứu kịp thời mọi tình huống có thể xảy ra, Bộ CHQS tỉnh thành lập một lực lượng cơ động gồm 180 đồng chí, tại các huyện, thành phố, thị xã thành lập một tiểu đoàn bộ đội địa phương, trung đội thông tin hỏa tốc, lực lượng cắm cừ, đào mò… với quân số lên tới gần 1.000 người. Riêng các xã ven đê còn tổ chức 1 đại đội dân quân xung kích với quân số 150 đồng chí, xã nội đồng là 120 đồng chí. Tiểu đoàn dự bị động viên của các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp và 11 đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn luôn có khoảng hơn 1.500 người, cùng với các trang bị, phương tiện sẵn sàng làm nhiệm vụ. Bộ CHQS tỉnh cũng đã xây dựng chi tiết về lực lượng, phương tiện, đường cơ động tới từng trọng điểm, với tinh thần “Phòng là chính, tích cực, chủ động, ứng cứu nhanh, có hiệu quả”, hạn chế thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Đại tá Nguyễn Quốc Duyệt, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Hải Dương, khẳng định: Để ứng phó kịp thời với mọi tình hình diễn biến của thời tiết, Bộ CHQS tỉnh triển khai cho cơ quan, đơn vị thường xuyên duy trì nghiêm các chế độ trực, chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện đồng bộ, chu đáo. Bên cạnh đó, Bộ CHQS tỉnh đã phối hợp chỉ đạo các địa phương, đơn vị tổ chức huấn luyện, diễn tập các phương án PCLB-TKCN sát với tình hình thực tế, nhất là những địa bàn xung yếu, trọng điểm. Cơ quan Bộ CHQS tỉnh và Ban CHQS các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn tổ chức khảo sát tình hình đê điều, kè, cống trên địa bàn. Đồng thời tuyên truyền, phổ biến, giáo dục ý thức phòng, tránh thiên tai cho người dân và chủ động luyện tập các phương án, sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng cứu kịp thời khi có tình huống xảy ra.