Ngày 2/7/2019, Cục Cứu hộ – Cứu nạn đã có công điện số 20/TK gửi: BTL Quân khu 1,2,3,4; BTL Quân chủng Hải quân, PK-KQ; BTL Bộ đội Biên phòng; BTL Cảnh sát biển; BTL Thủ đô Hà Nội; BTL: Công binh, TTLL, Hóa học với nội dung:
Theo tin của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 01 giờ, ngày 02/7/2019 vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 18,2 độ Vĩ Bắc; 113,0 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 190km về phía Bắc Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9 tính từ tâm vùng áp thấp nhiệt đới.
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 01 giờ ngày 03/7, vị trí tâm bão ở khoảng 19,5 độ Vĩ Bắc; 110,8 độ Kinh Đông, ngay trên bờ biển phía Đông đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 11. Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên): phía Bắc vĩ tuyến 17,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 109,0 độ Kinh Đông.
Đồng thời, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp trên khu vực Bắc Bộ, các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ từ ngày 02-04/7 có mưa rất to (lượng mưa phố biến từ 100-250mm/đợt, có nơi trên 300mm/đợt); cảnh báo các sông suối ở Bắc Bộ, từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh có khả năng xuất hiện một đợt lũ biên độ từ 2-5m. Sau thời gian dài nắng nóng, đất bị khô nứt và do cháy rừng ở các tỉnh Bắc Trung Bộ, bề mặt thảm thực vật bị suy giảm, khi mưa lớn trên diện rộng tiểm ẩn nguy cơ ngập lụt vùng thấp trũng, lũ quét, lũ bùn, sạt lở đất ở vùng núi các tỉnh Lai Châu, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang và từ Thanh Hóa đến Quảng Bình. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3.
Để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão và tình hình mưa lũ. Cục Cứu hộ – Cứu nạn đề nghị các đơn vị:
- Thường xuyên cập nhật diễn biến áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão trên biển và diễn biến mưa, lũ lớn trên đất liền; duy trì nghiêm chế độ ứng trực, nắm chắc tình hình thiên tai trên địa bàn, sẵn sàng lực lượng, phương tiện chủ động giúp nhân dân ứng phó, khắc phục hậu quả và tìm kiếm cứu nạn. Đặc biệt, có biện pháp bảo đảm an toàn cho lực lượng, phương tiện đang tham gia tìm kiếm cứu nạn 09 người mất tích trên biển.
- BTL Bộ đội Biên phòng chỉ đạo Biên phòng các tỉnh, thành ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi theo dõi diễn biến, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới, phối hợp với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng thông báo cho các chủ phương tiện đang hoạt động trên biển biết để chủ động di chuyển tránh trú, không đi vào khu vực nguy hiểm; kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền, kể cả tàu vận tải, tàu du lịch; duy trì thông tin liên lạc thường xuyên, sẵn sàng xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra.
- BTL Quân khu 1, 2, 3, 4; BTL Thủ đô Hà Nội chỉ đạo các đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến khi ATNĐ mạnh lên thành bão và đi vào đất liền, kết hợp với mưa, lũ lớn trên diện rộng; chủ động tham mưu, phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để hỗ trợ chính quyền, giúp nhân dân sơ tán đến nơi an toàn và tích cực tham gia phòng chống, ứng phó, khắc phục hậu quả, cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống.
Các đơn vị triển khai thực hiện và báo cáo thường xuyên về Cục Cứu hộ – Cứu nạn để giúp Bộ theo dõi, chỉ đạo./.