Mệnh lệnh cứu dân là trên hết

Cập nhật lần cuối: 17 Tháng Mười, 2022

Nhằm khẩn trương khắc phục hậu quả và hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do mưa lũ tiếp tục gây ra tại tỉnh Quảng Ninh, trong ngày 29/7, hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ của các đơn vị thuộc Quân khu 3, Quân chủng Hải quân… tiếp tục băng mình vào những khu vực nguy hiểm nhất, giúp hàng nghìn người dân sơ tán đến nơi an toàn.

Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 242 (Quân khu 3) giúp dân phường Mông Dương sơ tán.

Di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm

Do mưa lớn trong những ngày qua làm lượng nước khổng lồ kéo theo đất đá từ bãi thải Đông Cao Sơn dồn xuống khiến đập 790, thuộc địa phận phường Mông Dương, Cửa Ông (thành phố Cẩm Phả) có nguy cơ bị vỡ. Nếu đập 790 vỡ, hàng triệu mét khối nước và bùn sẽ nhấn chìm toàn bộ khu vực các tổ 1, 2, 3, 4, 5 thuộc phường Mông Dương và tổ 1 của phường Cửa Ông, hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng. Do đó ngay trong đêm, Ban Chỉ huy tiền phương của Bộ Tư lệnh Quân khu 3 đã phát lệnh điều động hơn 350 cán bộ, chiến sĩ của các đơn vị đóng quân trên địa bàn đến hiện trường phối hợp cùng các lực lượng tại chỗ, tổ chức tuyên truyền, vận động, di dời khẩn cấp toàn bộ hơn 200 hộ dân trong khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.

Lúc 6 giờ sáng 29/7, tại hiện trường sơ tán hơn 200 hộ dân thuộc các tổ dân phố 1, 2, 3, 4, 5 phường Mông Dương và tổ 1, phường Cửa Ông (Cẩm Phả) trời vẫn tiếp tục mưa lớn. Trong lúc giúp dân, mặc dù bị đá văng vào chân đau điếng, người thì ướt sũng nước mưa, nhưng Binh nhất Hoàng Văn Kiên, chiến sĩ thuộc Lữ đoàn 242 (Quân khu 3) vẫn thoăn thoắt đỡ người già, trẻ em lên xe di chuyển về nơi sơ tán. Kiên nói với chúng tôi trong hơi thở gấp: “Ngay từ khi mưa, lũ xảy ra vào đêm 25/7, tôi cùng các đồng đội đã có mặt tại các vị trí xung yếu nhất trên địa bàn các phường Cửa Ông, Mông Dương… để tham gia cứu hộ cứu nạn và giúp nhân dân khắc phục hậu quả. Dù sau nhiều ngày dầm mưa và lao động giúp dân khá mệt, nhưng lúc 3 giờ sáng 29/7, khi có lệnh báo động đi giúp dân sơ tán là ngay lập tức tôi đã cùng hơn 100 đồng đội nhanh chóng lên đường…”.

Chúng tôi được biết đường hành quân đến hiện trường bị chia cắt nhiều điểm vì sạt lở và ngập nước, nhưng ngay từ sáng sớm 29/7, hơn 30 cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn 147 Hải quân đã nỗ lực vượt qua khó khăn, cùng với hai xe đặc chủng tham gia sơ tán nhân dân. Trung sĩ Bùi Duy Thường, lái xe đặc chủng BTR 60PB tham gia sơ tán dân cho biết: Quãng đường cơ động từ đơn vị đến hiện trường khá xa (hơn 40 km) và nguy hiểm. Nhiều đoạn nước ngập sâu khiến anh em trong kíp xe phải xuống “tăng bo”, nên người ai cũng sũng nước. Trong điều kiện bình thường, việc hành quân có thể phải dừng lại để bảo đảm an toàn. Nhưng biết nhiều người dân đang đợi đến ứng cứu nên chúng tôi không thể chậm trễ. Mệnh lệnh cứu dân là trên hết, thế nên kíp xe chúng tôi đã hạ quyết tâm cơ động nhanh với trách nhiệm cao nhất.

Ghi nhận tinh thần quên mình vì nhân dân trong mưa, lũ của cán bộ, chiến sĩ các đơn vị, ông Hà Văn Hiền, Chủ tịch UBND phường Mông Dương cho biết: Từ khi mưa, lũ xảy ra đến nay, nhân dân phường Mông Dương đã được hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ của các đơn vị quân đội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến ứng cứu và tham gia khắc phục hậu quả. Khó khăn nhất là việc tổ chức di dời hơn 200 hộ dân với hơn 500 nhân khẩu của phường ra khỏi vùng nguy hiểm. Hôm nay, nếu không có cán bộ, chiến sĩ và phương tiện của các đơn vị quân đội đến giúp đỡ thì chúng tôi không thể thực hiện được!

Chiến sĩ Lữ đoàn 170 Hải quân giúp một hộ dân phường Hà Tu, thành phố Hạ Long thu dọn tài sản sau khi nước lũ quét qua.

Giúp dân sớm ổn định cuộc sống

Có mặt tại hiện trường trực tiếp chỉ đạo và kiểm tra công tác sơ tán nhân dân, Thiếu tướng Trần Mạnh Kha, Phó Tham mưu trưởng Quân khu, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy tiền phương của Quân khu 3 tại Quảng Ninh cho biết: Để giúp nhân dân đối phó với mưa lũ và khắc phục hậu quả, trong ngày 29/7, tổng số cán bộ, chiến sĩ của các đơn vị thuộc LLVT Quân khu 3 và các đơn vị đứng chân trên địa bàn tiếp tục được huy động lên đến hơn 5.000 người. Trong đó lực lượng của các đơn vị: Sư đoàn 395; Lữ đoàn 242; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh; Lữ đoàn 147 Hải quân; Lữ đoàn 170 (Vùng 1 Hải quân); Lữ đoàn 126 Đặc công Hải quân; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ninh và dân quân tự vệ… là chủ lực. Trong ngày 29/7, cán bộ, chiến sĩ ở các đơn vị đã tham gia khai thông được hơn 120 điểm sạt lở trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ; nạo vét được hơn 2.000 mét khối bùn đất tại đường nội bộ các khu dân cư; giúp hơn 2.700 hộ dân ở các địa phương sửa chữa, khắc phục nhà ở để sớm ổn định cuộc sống.

Trao đổi với chúng tôi lúc 17 giờ ngày 29/7, đồng chí Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết: Trận mưa lũ lịch sử tại Quảng Ninh tính đến nay đã làm 23 người chết và mất tích, thiệt hại hơn 1000 tỷ đồng. Những ngày qua, tỉnh Quảng Ninh đã huy động mọi phương tiện, lực lượng, dồn toàn lực khẩn trương phòng, chống và khắc phục hậu quả mưa lũ. Trên địa bàn thành phố Hạ Long tiếp tục có mưa khiến nhiều khu dân cư bị sạt lở nghiêm trọng, giao thông bị chia cắt. Hiện tại, các phường Giếng Đáy, Bãi Cháy, Hà Khánh, Cao Xanh, Cao Thắng, Hồng Hà, Hồng Hải, Hà Trung, Hà Phong, Hà Tu (thành phố Hạ Long) tình trạng ngập lụt bắt đầu giảm dần, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở rất cao.

Để kịp thời đối phó, sáng 29/7, UBND tỉnh Quảng Ninh tiếp tục có công điện yêu cầu Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty Đông Bắc chủ động huy động các lực lượng, phương tiện kiểm tra chặt chẽ từng hầm lò, khai trường, đặc biệt là các bãi thải để xử lý, khắc phục các sự cố sập đổ, sạt lở và khẩn trương gia cố các vị trí có nguy cơ sạt lở, xung yếu. Chủ động phối hợp với các địa phương tổ chức di chuyển các hộ dân ra khỏi các khu vực có nguy cơ bị sạt lở đất đá, các đập chắn chân bãi thải và các khu vực công trường khai thác gần khu dân cư; lên phương án hỗ trợ người dân bị thiệt hại để sớm ổn định cuộc sống. Khẩn trương khắc phục hậu quả các thiệt hại, hỗ trợ bảo đảm sinh hoạt và an toàn tính mạng cho nhân dân; tăng cường kiểm tra, thông tin và cảnh báo, kiên quyết không cho người mót than trên các dòng chảy khi có mưa lũ.

Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 395 (Quân khu 3) tham gia dọn dẹp bùn sau khi lũ rút tại phường Hà Lầm, thành phố Hạ Long.

Bộ đội Lữ đoàn 242, Quân khu 3 cơ động ứng cứu nhân dân tại những điểm xung yếu.

Kịp thời hỗ trợ người dân

Trước mắt, UBND tỉnh Quảng Ninh đã trích ngân sách tỉnh 15 tỷ đồng để hỗ trợ 3 địa phương: Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn hỗ trợ các gia đình có người tử vong do ảnh hưởng của mưa lũ theo mức 6 triệu đồng/người tử vong, đồng thời hỗ trợ toàn bộ chi phí mai táng. Các trường hợp bị thương được hỗ trợ 3 triệu đồng/người. UBND tỉnh cũng yêu cầu các địa phương, các ngành, đơn vị kiểm tra thực tế, thống kê chi tiết các thiệt hại. Tổ chức thăm hỏi, động viên và hỗ trợ kịp thời các gia đình có người bị chết, bị thương, các gia đình có nhà bị sập đổ; chủ động xử lý các điểm ngập, lụt, các vị trí bị sạt lở làm ách tắc giao thông. Các cơ sở phải kiểm tra, nắm chắc diễn biến tình hình, kiên quyết di chuyển các hộ dân ở vùng nguy cơ sạt lở, nguy cơ gặp lũ ống, lũ quét; sẵn sàng và có biện pháp cụ thể đối phó mưa lớn tiếp tục kéo dài. Tiếp tục rà soát lực lượng, phương tiện sẵn sàng cơ động cứu hộ, cứu nạn trong những tình huống phát sinh.