Một số kinh nghiệm để công tác Tìm kiếm cứu nạn trên biển diễn ra đạt hiệu quả

Cập nhật lần cuối: 6 Tháng Mười, 2022

(Vishipel) – Việt Nam nằm trong vùng xích đạo và dải nhiệt đới phía Tây Thái Bình Dương – khu vực trọng điểm ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu; có nhiều tuyến hàng hải quốc tế đi qua; lại đang trong quá trình đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, nên tình hình thiên tai, tai nạn, sự cố ở vùng biển xảy ra với tần suất cao, tính chất ngày càng nghiêm trọng. Điều đáng nói là, tai nạn, sự cố trên biển không chỉ gia tăng về số vụ, quy mô mà còn phức tạp về tính chất, diễn biến khó lường, nhất là sự cố về hóa chất, tràn dầu có thể hủy hoại môi trường trên phạm vi rộng, v.v.

Vì thế, nâng cao hiệu quả tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn nói chung, trên biển nói riêng, nhằm giảm thiểu thiệt hại là nhiệm vụ quan trọng của các cơ quan, ban, ngành chức năng. Bài viết này nêu ra một số nội dung cần tập trung để thực hiện hiệu quả công tác tìm kiếm cứu nạn (TKCN) trên biển, như sau:

1. Thường xuyên thực hiện tốt công tác tuyên truyền về công tác bảo đảm an toàn hàng hải và TKCN cho người đi biển.

Việc nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm cho các đối tượng tham gia lao động trên biển, đặc biệt là ngư dân sẽ góp phần ngăn chặn, ứng cứu kịp thời, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất về người, tài sản trên biển.

2. Đẩy mạnh diễn tập, hợp luyện công tác TKCN trên biển giữa các bên tham gia.

Việc diễn tập thường xuyên sẽ giúp cho các đơn vị tham gia công tác TKCN và người đi biển sẽ có kinh nghiệm xử lý nhanh, bảo đảm hiệu quả các tình huống rủi ro trên biển đồng thời nâng cao khả năng phối hợp giữa các lực lượng tham gia TKCN trên biển;

3. Phối hợp thông tin hiện trường trong quá trình diễn ra công tác TKCN trên biển.

Khi tàu thuyền xảy ra sự cố trên biển, phát tín hiệu cấp cứu tới các Đài TTDH, các Đài TTDH sẽ ngay lập tức chuyển thông tin trên tới các cơ quan chức năng tìm kiếm cứu nạn, đồng thời Đài TTDH phát quảng bá trên  các vùng biển nhằm yêu cầu các tàu trong khu vực lân cận tăng cường cảnh giới và trợ giúp tàu bị nạn. Sau đó, kênh thông tin liên lạc được thiết lập giữa Đài TTDH, lực lượng tìm kiếm cứu nạn, các tàu lân cận và tàu bị nạn để phục vụ cho việc cứu nạn tàu bị nạn. Việc phối hợp thông tin tại hiện trường là vô cùng quan trọng, việc phối hợp thông tin tốt sẽ giúp cho việc cứu nạn được diễn ra nhanh chóng, chính xác, góp phần giảm nhẹ thiệt hại về tài sản và con người của tàu bị nạn, đồng thời giảm thiểu chi phí của lực lượng tham gia vào việc cứu nạn.

Ngoài ra, đối với các phương tiện lưu động trên biển không được huy động vào công tác TKCN phải đảm bảo canh trực trên các tần số cấp cứu an toàn để có thể thu nhận được các thông tin an toàn được phát đi và hành trình tránh xa khu vực đang tiến hành công tác TKCN. Đồng thời cấm phát xạ, gây can nhiễu trên các tần số thông tin hiện trường.

Đối với các phương tiện tham gia TKCN hiện trường, bao gồm cả tàu chịu trách nhiệm chỉ huy hiện trường, phải :

  • Duy trì canh trực liên tục trên phương thức và tần số liên lạc hiện trường theo chỉ định của chỉ huy để sẵn sàng nhận lệnh điều động và xác báo kịp thời thời gian dự kiến tàu đến (ETA). Điều kiện biển và thời tiết hiện trường;
  • Kịp thời thực hiện tắt nhiễu trên tần số hiện trường đối với các trường hợp gây can nhiễu do các tàu không tham gia công tác TKCN gây ra..v.v

Đối với phương tiện bị nạn khi vẫn còn khả năng thông tin: phải triển khai đúng phương thức, tần số thông tin hiện trường đồng bộ với lực lượng ứng cứu, thường xuyên cập nhật những dữ liệu quan trọng cho lực lượng ứng cứu như: vị trí, tình trạng số thuyền viên trên tàu, điều kiện biển và thời tiết hiện trường, tình trạng diễn biến của tai nạn, thiết bị cứu sinh hiện có, yêu cầu trợ giúp phát sinh..vv

Như vậy, một số kinh nghiệm trong công tác TKCN trên biển được nêu ở trên sẽ góp phần tăng cường kiến thức và ý thức cho người đi biển nhằm giảm thiểu tai nạn khi hành hải, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động cứu nạn khi có sự cố xảy ra trên biển.