banner main
Trang chủ- Những câu hỏi đáp các hiện tượng thủy văn

Những câu hỏi đáp các hiện tượng thủy văn

Cập nhật lần cuối: 17/10/2022

Ảnh minh họa

1. Có phải tốc độ di chuyển của bão chính là tốc độ gió mà bão sinh ra không? Dựa vào tốc độ di chuyển của bão có thể nhận định được hướng đi của bão không?

Tốc độ di chuyển của bão không phải là tốc độ gió mà bão sinh ra. Trong một cơn bão, tốc độ gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão có thể đạt tới 200km/h đối với những cơn bão mạnh và không nhỏ hơn 65km/h đối với những cơn bão yếu.

Tốc độ di chuyển của bão là tốc độ di chuyển của cả khối không khí khổng lồ xung quanh tâm bão. Trên biển Đông, bão thường di chuyển với tốc độ trung bình khoảng 10 -25 km/h và mỗi ngày có thể vượt qua một quãng đường khoảng 500km. Còn khi bão di chuyển nhanh, tốc độ di chuyển có thể đạt tới 30 – 35 km/h.

Quan hệ giữa tốc độ di chuyển và hướng đi của bão rất phức tạp. Tuy nhiên, một cách tương đối có thể hiểu: Khi bão di chuyển nhanh với tốc độ ổn định thì quỹ đạo của bão ít thay đổi; khi bão di chuyển chậm lại và có lúc gần như đứng yên thì có khả năng bão sẽ đổi hướng di chuyển, và sau khi đổi hướng bão lại di chuyển nhanh lên.

Tốc độ và hướng di chuyển của bão phục thuộc vào sự tương tác rất phức tạp giữa hoàn lưu gió xoáy nội tại của cơn bão và hoàn lưu khí quyển xung quanh. Khối không khí thuộc cơn bão luôn chuyển động và biến đổi. Các hệ thống áp cao và áp thấp xung quanh cơn bão có thể làm thay đổi một cách đáng kể tốc độ và hướng di chuyển của bão, đặc biệt là khi có không khí lạnh tràn xuống miền Bắc nước ta. Ngược lại, cơn bão cũng có thể làm biến đổi môi trường không khí xung quanh nó. Chính vì thế, sự di chuyển của bão chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố.

2. Tại sao khi đi vào đất liền thì bão, áp thấp nhiệt đới thường bị suy yếu và tan đi, trong khi đó vùng áp thấp thì lại không?

Nguyên nhân chính để giải thích là do sự khác nhau về điều kiện hình thành và phát triển giữa bão, áp thấp nhiệt đới và vùng áp thấp thông thường. Điểm giống nhau là cả hai đều là nhữ vùng có khí áp ở vùng trung tâm là thấp nhất và có gió thổi xoáy vào trung tâm.

Nhưng sự khác biệt là ở chỗ, bão và ATNĐ hình thành và phát triển trên các vùng biển nóng (từ 26oC – 27oC), một trong những nguồn năng lượng chính cung cấp cho chúng là điều kiện nhiệt và ẩm (mà chỉ trên biển mới có), khi vào đất liền, nguồn năng lượng đó không còn duy trì, đồng thời do ma sát bề mặt lớn, vì thế nó suy yếu nhanh chóng và tan dần.

Ngược lại, các vùng áp thấp thông thường có thể hình thành ngay trên đất liền hoặc trên biển, điều kiện tồn tại và phát triển của chúng không phụ thuộc vào nguồn năng lượng mà đại dương cung cấp, nó chỉ phụ thuộc chính vào hoàn lưu khí quyển ở các mực trên cao, chính vì thế dù chúng ở trên biển hay khi đi vào đất liền thì cường độ của chúng không hề suy giảm.

3. Bằng cách nào có thể xác định được tốc độ di chuyển của bão?

Tốc độ di chuyển của bão là tốc độ chuyển động trugn bình của cơn bão trong một thời hạn nhất định. Trong khoảng thời gian đó có những lúc bão có thể chuyển động nhanh hơn hay chậm hơn giá trị trung bình. Trong trường hợp tốc độ chuyển động trung bình của bão nhỏ hơn 5km/h và có hướng không xác định, khi đó bão sẽ được coi là hầu như ít di chuyển. Trên thực tế, các bản tin dự báo bão của Việt nam được cập nhật 3h một lần, vì thế những thay đổi trong tốc độ di chuyển của bão cũng sẽ được cập nhật liên tục để đảm bảo độ chính xác của các bản tin dự báo.

Có nhiều công cụ để xác định tốc độ di chuyển của một cơn bão. Một trong những công cụ chính là ảnh mây vệ tinh có độ phân giải cao. Sử dụng ảnh mây vệ tinh các chuyên gia dự báo bão có thể vẽ ra đường đi (quĩ đạo) của cơn bão, từ đó theo dõi và chấm được vị trí của tâm bão sau mỗi thời đoạn nhất định. Từ khoảng cách giữa các vị trí tâm bão và khoảng thời gian di chuyển (12h hoặt 24h) người ta xác định được tốc độ di chuyển của cơn bão (khoảng cách/thời gian). Tuy nhiên, việc xác định chính xác tâm bão là rất khó vì không phải mọi cơn bão đều có tâm rõ ràng.

4. Trong các bản tin dự báo bão thường có cụm từ “bão ảnh hưởng” và “bão đổ bộ”. Vậy hai cụm từ này có phải là một hay không?

Trong các bản tin dự báo bão có nhắc đến các khu vực chịu ảnh hưởng của bão, khu vực đổ bộ của bão (khu vực vùng trung tâm bão đi qua), tuy nhiên không nên nhầm lẫn giữa hai khái niệm bão ảnh hưởng và bão đổ bộ.

Bão đổ bộ khi vùng trung tâm bão đã đi vào đất liền trên khu vực nào đó. Một khu vực được xem là bị ảnh hưởng của bão khi tốc độ gió mạnh và hiện tượng thời tiết nguy hiểm sẽ xảy ra ở khu vực đó, khi bão đổ bộ hoặc ngay cả khi bão mới đến gần khu vực đó. Do vậy, có thể hiểu, về cơ bản khi bão đổ bộ thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng, còn bão ảnh hưởng có nghĩa là chịu ảnh hưởng của cơn bão đổ bộ vào nơi khác hoặc chưa đổ bộ.

Bão, ATNĐ ảnh hưởng đến Việt Nam được chia thành 2 loại: ảnh hưởng trực tiếp và ảnh hưởng gián tiếp:

– Ảnh hưởng trực tiếp: Bao gồm tất cả các cơn bão và ATNĐ có tâm đi vào đất liền hoặc không đi vào đất liền nước ta nhưng trực tiếp gây ra gió mạnh từ cấp 6 trở lên ở vùng ảnh hưởng.

– Ảnh hưởng gián tiếp: Bao gồm tất cả các cơn bão và ATNĐ khi tới gần bờ biển nước ta đã suy yếu nhiều nên khi tâm đi vào đất liền hoặc chuyển hướng đi hướng khác, hoặc tan rã ngay tại chỗ và chỉ gây ra gió yếu (cấp 5) và gây ra mưa, mưa to đến rất to trên diện rong ở vùng ảnh hưởng.

5. Quy luật chung của bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến Việt Nam?

Theo số liệu thống kê nhiều năm thì trung bình nhiều năm có khoảng 5 – 6 cơn bão và 2 -3 ATNĐ ảnh hưởng đến Việt Nam. Mùa bão bắt từ tháng 6 và kết thúc vào cuối tháng 11 và nửa đầu tháng 12. Bão thường tập trung nhiều nhất trong các tháng 8, 9 và 10.

Hướng di chuyển trung bình của bão cũng khác nhau theo mùa. Thời kỳ nửa đầu mùa bão, quỹ đạo bão có hướng Tây Bắc, Bắc và Đông Bắc, thường đổ bộ và Đông Nam Trung Quốc, Nhật Bản. Thời kỳ sau quỹ đạo thiên hướng Tây về phía Việt Nam. Trung bình, từ tháng 1 – 5, bão ít có khả năng ảnh hưởng đến Bắc Bộ. Từ tháng 9 – 11, bão có nhiều khả năng ảnh hưởng đến Trung Bộ và Nam Bộ.

Ở nửa đầu mùa bão, quỹ đạo của bão ít phức tạp và ngược lại, bão thường di chuyển phức tạp trong nửa cuối mùa bão. Quỹ đạo của bão trong Biển Đông có thể được chia thành 5 dạng chính: ổn định, phức tạp, parobol, suy yếu trên biển và mạnh lên gần bờ. Trong số đó, dạng phức tạp và mạnh lên gần bờ là khó dự báo nhất. Hơn nữa, khu vực Biển Đông chịu sự chi phối của nhiều hệ thống thời tiết khác nhau nên càng làm cho việc dự báo phức tạp hơn.

Lưu ý rằng, các đặc điểm trên đây là những tính chất trung bình đặc trưng nhất. Trong mỗi năm cụ thể, sự xuất hiện và tính chất quỹ đạo bão có thể khác nhiều so với các giá trị trung bình này.

6. Tại sao gió mùa Đông Bắc cũng sinh ra gió mạnh cấp 7, nhưng ít nguy hiểm hơn gió trong áp thấp nhiệt đới?

Nói đến bão, áp thấp nhiệt đới ai cũng nghĩ đến những trận gió mạnh, nhưng không phải bất cứ trận gió mạnh nào cũng là bão. Mùa đông những khi có không khí lạnh ở phương bắc tràn xuống thì gió mùa nổi lên. Khi đó cũng có những cơn gió mạnh kèm theo ít nhiều mưa, có thể gây tai hại cho thuyền bè và mùa màng. Đó là những trận gió mà các nhà khí tượng gọi là cuồng phong. Trong các trận cuồng phong, gió tuy mạnh 50-60 km/giờ, lại chỉ thổi một chiều gần như không thay đổi cho nên ít nguy hiểm hơn bão, áp thấp nhiệt đới nhiều. Trong các cơn bão, áp thấp nhiệt đới, không những gió mạnh mà lại đổi chiều nên mức độ nguy hiểm gia tăng lên rất nhiều. Nhưng không phải cơn gió đổi chiều nào cũng là áp thấp nhiệt đới, bão. Trong các cơn gió lốc, cơn giông cũng có thể có gió đổi chiều đột ngột, có thể đánh gãy cột cờ, đắm thuyền, tốc mái nhà. Những cơn gió đó khá nguy hiểm vì khó báo trước, nhưng chúng truyền đi không xa, chỉ có tác dụng trong một phạm vi tương đối nhỏ hẹp, khác với bão, áp thấp nhiệt đới là một vùng gió xoáy khổng lồ có đường kính hàng trăm cây số có thể quét cùng một lúc một vùng rộng lớn, lại truyền đi rất xa.

7. Không khí lạnh được hiểu như thế nào?

Không khí lạnh là hiện tượng thời tiết khi khối không khí rất lạnh từ lục địa Châu Á di chuyển xuống khu vực nước ta, nơi đang có khối không khí ấm, gây ra gió Đông Bắc mạnh, trời trở rét và thời tiết xấu. Không khí lạnh thường tràn về vào mùa Đông và có hướng chủ yếu là Đông Bắc nên còn gọi là “gió mùa đông bắc”. Khối không khí lạnh này có nguồn gốc cực đới, tràn qua lục địa Châu Á dưới dạng front lạnh, xuống đến nước ta trong nhiều trường hợp không còn thể hiện rõ tính chất điển hình của một front lạnh nên được gọi chung là “không khí lạnh”.

Gió mùa Đông Bắc là hiện tượng thời tiết đặc biệt nguy hiểm, vì khi nó tràn về, ngoài khơi vịnh Bắc Bộ gió có thể mạnh cấp 6- 7 (đôi lúc có thể mạnh hơn) có thể đánh đắm tàu thuyền, trên đất liền gió cấp 4 -5, có thể làm hư hại nhà cửa, cây cối, các công trình đang thi công trên cao… Đặc biệt những đợt mạnh còn gây ra mưa to, gió lớn, thậm chí xuất hiện cả các hiện tượng thời tiết cực đoan như giông, tố lốc, có khi cả mưa đá (tập trung vào các tháng chuyển tiếp từ mùa lạnh sang mùa nóng và ngược lại). Vào những tháng chính đông (từ tháng 12 năm trước đến tháng 2 năm sau), đêm về trời quang mây, gây ra sương muối, băng giá, có năm có cả tuyết rơi trên vùng núi cao. Nếu không khí lạnh kéo dài còn gây rét đậm, rét hại không những đối với cây trồng, gia súc và cả con người. Ở nước ta không khí lạnh thường bắt đầu từ trung tuần tháng 9 năm trước đến trung tuần tháng 6 năm sau, nhưng mạnh nhát vào các tháng chính đông, chịu ảnh hưởng trực tiếp là khu vực phía Bắc, từ đèo Ngang trở ra, ít khi đến Nam Trung Bộ.

8. Không khí lạnh ảnh hưởng đến nước ta dưới dạng nào?

Căn cứ vào mức độ thay đổi thời tiết trước và sau khi không khí lạnh ảnh hưởng mà phân chia ra hai loại ảnh hưởng chính: Gió mùa đông bắc và không khí lạnh tăng cường.

Gió mùa đông bắc là không khí lạnh ảnh hưởng có kèm theo font lạnh hoặc đường đứt, khi xâm nhập đến nước ta làm thay đổi hoàn toàn hệ thống gió trước đó bởi hệ thống gió mùa đông bắc (gió có thành phần bắc), làm biến đổi thời tiết mạnh mẽ, nhiệt độ giảm mạnh đột ngột và thay đổi trạng thái thời tiết từ nóng, ấm sang lạnh hoặc rét. Gió mùa đông bắc đôi khi kèm theo gió giật, tố, lốc xoáy, dông hoặc mưa lớn.

Không khí lạnh tăng cường là khối không khí lạnh ảnh hưởng đến nước ta trong điều kiện trước đó khu vực chịu ảnh hưởng đang bị một khí không khí lạnh khống chế, với hệ thống gió thành phần bắc đã suy yếu. Không khí lạnh tăng cường không kèm theo front. Khi ảnh hưởng đến nước ta chủ yếu làm tốc độ gió tăng trở lại ở ngoài khơi và trong đất liền, có thể làm giảm nhiệt độ, điểm sương hoặc ít thay đổi về nhiệt độ. Trong một vài trường hợp không khí lạnh tăng cường làm giảm lượng mây, do đó có thể làm tăng nhiệt độ ban ngày.

9. Có bao nhiêu loại tin dự báo về không khí lạnh?

Tùy theo tình hình cụ thể của từng đợt không khí lạnh, có hoặc không kèm theo front lạnh, thì phát tin dự báo không khí lạnh theo các tiêu đề như sau:

Tin Gió mùa đông bắc: được phát ra khi:

– Không khí lạnh có khả năng xâm nhập xuống nước ta, làm thay đổi căn bản hệ thống gió đã tồn tại từ trước thành gió hướng lệch bắc, gây ra gió mạnh từ cấp 6 trở lên và kéo dài quá 3 giờ ở trên Vịnh Bắc Bộ (và ngoài khơi Trung Bộ); 

– Hoặc khi không khí lạnh có khả năng xâm nhập đến miền Bắc nước ta, làm thay đổi căn bản hệ thống gió đã tồn tại từ trước thành gió hướng lệch về bắc (không xét tốc độ gió), đồng thời làm thay đổi rõ rệt về thời tiết ở một khu vực chuyển đầy mây, diện mưa tăng lên đột ngột và nhiệt độ trung bình ngày giảm 3 – 5 độ trở lên đối với trên một nửa số trạm trong ít nhât một khu vực;

– Hoặc làm thay đổi căn bản hệ thống gió đã tồn tại từ trước thành gió hướng lệch về bắc (không xét tốc độ gió), đồng thời gây mưa rào và dông diện rộng ở một khu vực, có thể có gió giật mạnh trên cấp 6 hay tố, lốc, mưa đá… và nhiệt độ tối cao giảm 5 -7 độ trở lên đối với trên một nửa số trạm trong ít nhất một khu vực.

Tin Gió mùa đông bắc và rét: được phát ra giống như khi phát gió mùa đông bắc kể trên, nhưng nếu thấy đợt không khí lạnh có khả năng làm cho nhiệt độ trung bình ngày ở vùng đồng bằng, trung du Bắc Bộ giảm xuống dưới 15 độ (rét đậm và rét hại) và có khả năng kéo dài từ 2 ngày trở lên.

Tin không khí lạnh tăng cường: Tin này được phát trong trường hợp có không khí lạnh tăng cường xuống nước ta. Trong khi ở các tỉnh phía bắc đang tồn tại không khí lạnh, hướng gió chưa thay đổi (vẫn gió hướng lệch bắc), nhưng tốc độ gió đã tương đối suy yếu, ngoài khơi gió đã giảm xuống dưới cấp 5, nhưng khả năng có một đợt không khí lạnh khác, lại gây ra gió mạnh từ cấp 6 trở lên và kéo dài quá 6 giờ ở trên Vịnh Bắc Bộ (và ngoài khơi Trung Bộ).

Tin gió không khí lạnh tăng cường và rét: Tin ngày được phát trong trường hợp có không khí lạnh tương cường nhưng có khả năng làm cho nhiệt độ trung bình ngày ở vùng đồng bằng, trung du Bắc Bộ giảm xuống dưới 150C và có khả năng kéo dài từ 2 ngày trở lên./.

Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia


Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia

© ỦY BAN QUỐC GIA ỨNG PHÓ SỰ CỐ THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN


Địa chỉ : Số 6 - đường Sân Gôn - tổ 15 - Phường Phúc Đồng - quận Long Biên - Thành Phố Hà Nội.

Điện thoại: 024 37333664.

Fax: 024 37 33384.

Email: banbientap@tkcn.gov.vn.

Bản quyền thuộc ỦY BAN QUỐC GIA ỨNG PHÓ SỰ CỐ THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông Tin Điện Tử Ủy Ban Quốc Gia Ứng Phó Sự Cố Thiên Tai Và Tìm Kiếm Cứu Nạn" hoặc "www.tkcn.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ các nguồn này.