Những người ở trung tâm chống “giặc trời”

Cập nhật lần cuối: 14 Tháng Mười, 2022

QĐND – Trong lúc bão số 3 đổ bộ vào khu vực các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ (từ Quảng Ninh đến Nghệ An), chúng tôi đã có dịp “thực mục sở thị” vào Trung tâm Quốc gia điều hành tìm kiếm cứu nạn (TKCN) – Cục Cứu hộ, Cứu nạn – Bộ Quốc phòng, cơ quan đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác TKCN, được xem như “bộ não” để tiếp nhận, xử lý thông tin, tham mưu và chỉ đạo kịp thời các hoạt động TKCN trên phạm vi toàn quốc, để hiểu hơn về chuyện của những người lính chống “giặc trời”.

Căn phòng không bao giờ tắt điện

Bầu trời Hà Nội xám xịt, mây đen vần vũ. Mưa mỗi lúc một nặng hạt, gió lốc táp vào tán cây nghiêng ngả. 6 giờ, những chiếc ô tô chở cán bộ của Cục Cứu hộ, Cứu nạn lao vun vút đến các địa phương trọng điểm chịu ảnh hưởng của bão số 3. Tại Trung tâm Quốc gia điều hành TKCN nằm trên phố Hoàng Diệu (Hà Nội), chúng tôi được chứng kiến hình ảnh những cán bộ, nhân viên trung tâm đang chạy đua với thời gian. Ai nấy đều tập trung cao độ xử lý thông tin vì những cuộc điện thoại trong cả nước liên tiếp, dồn dập báo về các sự vụ, rồi những tiếng sột soạt của máy fax báo cáo diễn biến sự việc… Ở đây gần như không có khái niệm hết giờ hành chính.

Tại phòng điều hành của trung tâm, dễ nhận thấy những hệ thống thông tin liên lạc hiện đại, những tấm bản đồ địa hình khổ lớn được treo trên tường hay đặt trên mặt bàn họp, những chiếc kính lúp, thước đo… tất cả như sẵn sàng vào cuộc “chiến đấu”. Cán bộ, nhân viên trung tâm người nào việc nấy, trước mặt là chiếc máy vi tính kết nối với các trung tâm như: Cảnh báo động đất, sóng thần; trung tâm phối hợp TKCN hàng hải; trung tâm quan sát tàu cá; trung tâm dự báo khí tượng thủy văn…

Vừa kết thúc cuộc họp gấp kéo dài gần 3 tiếng đồng hồ để bàn các biện pháp phòng, chống bão số 3 dự báo đổ bộ vào đất liền với cường độ gió lớn, Đại tá Trần Văn Kim, Chỉ huy trưởng Trung tâm Quốc gia điều hành TKCN, dành thời gian trò chuyện với chúng tôi. Anh mở đầu câu chuyện: “Trước diễn biến bất thường của thời tiết do tác động của biến đổi khí hậu, công việc của trung tâm hết sức nặng nề, căng thẳng, nhất là vào mùa mưa bão. Cơ quan chúng tôi không có khái niệm ngày nghỉ, giờ nghỉ, mọi người phải làm việc, bảo đảm ca trực 24/24 giờ. Vì thế, căn phòng này rất đặc biệt, quanh năm suốt tháng, bất kể ngày hay đêm đều không bao giờ tắt điện”.

Thiếu tướng Trương Đức Nghĩa (thứ hai, từ trái sang) và cán bộ Trung tâm Quốc gia điều hành TKCN họp lúc hơn 20 giờ để bàn biện pháp đối phó với bão số 3.

Chỉ với 12 cán bộ, nhân viên nhưng trung tâm phải thực hiện chức năng, nhiệm vụ đặc biệt quan trọng liên quan trực tiếp đến tiến độ và hiệu quả công tác TKCN trên phạm vi toàn quốc. Ngoài ra, trung tâm còn có nhiệm vụ phải phối hợp với lực lượng cứu hộ, cứu nạn của nước ngoài. Trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào, trung tâm đều thực hiện tốt nhiệm vụ nắm tình hình, tham mưu, xác minh, đánh giá, nghiên cứu và đề xuất các giải pháp TKCN hiệu quả; tiến hành lưu giữ các cơ sở dữ liệu; xử lý nóng các tình huống ban đầu; tổ chức thông tin tuyên truyền kịp thời. Đối với bất kỳ ai cũng đều mong muốn đất nước bình yên, không có thiên tai, hỏa hoạn. Thế nhưng, thiên nhiên vốn bất thường và “đỏng đảnh” lại không mấy chiều lòng người, mấy chục năm qua trên địa bàn toàn quốc, trung bình mỗi ngày xảy ra khoảng 10 vụ việc liên quan đến thiên tai, hỏa hoạn, cháy, nổ, sập đổ công trình…

Công việc vất vả là thế nhưng khi trò chuyện với chúng tôi, cán bộ, nhân viên trung tâm đều bày tỏ niềm tự hào khi được góp sức nhỏ bé của mình cho công việc thầm lặng để bảo vệ và làm giảm thiệt hại về tính mạng, tài sản của nhân dân. Công nhân viên Võ Hồng Hải tâm sự: “Mới về nhận nhiệm vụ tại trung tâm nhưng tôi đã thấy yêu công việc nhân đạo này. Sống ở vùng quê Nghệ An mưa lũ quanh năm, tôi rất thấm thía những mất mát của bà con, của quê hương mình. Điều đó đã thôi thúc tôi làm tốt công việc và đau đáu với mỗi sự việc khi xảy ra. Chúng tôi chỉ có thể ăn ngon, ngủ yên khi mỗi vụ việc kết thúc thành công”. Với kinh nghiệm gần 10 năm điều hành, chỉ huy trung tâm và trực tiếp tham gia công tác TKCN, Đại tá Trần Văn Kim cho rằng, nhiệm vụ quan trọng và khó nhất của trung tâm chính là thực hiện tốt việc nắm, dự báo tình hình để đưa ra các cảnh báo; đồng thời tham mưu chính xác để xử lý kịp thời các tình huống, sự vụ cụ thể. Đã gần 2 năm trôi qua nhưng mỗi khi nhớ lại kết quả thành công ngoài mong đợi trong vụ cứu nạn, khắc phục sự cố sập hầm Thủy điện Đạ Dâng (Lâm Đồng) vào tháng 12-2014, anh Kim vẫn vẹn nguyên tâm trạng, cảm xúc. “Lúc mới nhận được thông tin vụ sập hầm thì rất lo lắng, quá trình khắc phục sự cố căng thẳng, hồi hộp vì vụ việc quá phức tạp. Hầm nằm ở địa hình hiểm trở thuộc “vùng trắng” không có thông tin liên lạc, khu vực hầm lại có độc, vì vậy để cứu được người trong hầm là vô cùng khó khăn. Nhưng bằng những kinh nghiệm, chúng tôi đã đề xuất và tham mưu các phương án khả thi, mang lại hiệu quả nhanh chóng. Những người mắc kẹt đã được đưa ra khỏi hầm. Cảm xúc vui sướng của anh em trung tâm lúc đó mới vỡ òa” – anh Kim xúc động nhớ lại.

Theo anh Kim, để có được thành công trong công tác TKCN, cần sự vào cuộc, phối hợp kịp thời, hiệu quả giữa lực lượng tại chỗ và lực lượng TKCN nạn chuyên nghiệp. Trong đó, vai trò của trung tâm là rất quan trọng. Thực tế, ngay sau khi xảy ra sự cố sập hầm Đạ Dâng, xét thấy tính chất, mức độ và thực lực của lực lượng cứu hộ tại chỗ, trung tâm đã kịp thời tham mưu cho Ủy ban Quốc gia TKCN trực tiếp chỉ huy và điều lực lượng Công binh Quân khu 7, Lữ đoàn Công binh 293 và Tiểu đoàn Công binh 93 (Binh chủng Công binh), Trung tâm Cấp cứu mỏ tại Đông Triều (Quảng Ninh) với các phương tiện hiện đại tham gia khắc phục sự cố. Vì vậy chỉ trong thời gian ngắn, toàn bộ công nhân mắc kẹt đã được cứu sống.

Không chỉ xử lý những vụ việc trong nước mà trung tâm còn xử lý rất nhiều vụ việc phức tạp liên quan đến yếu tố nước ngoài. Cuối tháng 6 vừa qua, trung tâm vừa xử lý vụ việc một du khách người Anh leo núi trên đỉnh Phan-xi-păng và bị mất tích. “Ngay sau khi nhận công hàm từ Đại sứ quán Anh yêu cầu trợ giúp tìm kiếm bằng máy bay, chúng tôi đã phải rất cân nhắc trong việc trả lời bởi vì với địa hình núi hiểm trở, không thể sử dụng máy bay để tìm nạn nhân, tuy nhiên, chúng tôi không thể trả lời như vậy mà vẫn phải đồng ý phương án của họ. Nhưng ngay sau đó, chúng tôi đã đề xuất dùng cứu hộ địa phương và sử dụng chó nghiệp vụ để tìm nạn nhân. Chỉ trong 2 tiếng đồng hồ, nạn nhân đã được tìm thấy” – anh Kim kể lại.

Để giữ bình yên cho dân

Hôm chúng tôi đến trung tâm cũng là ngày thứ 2 liên tục Đại tá Nguyễn Như Thành, trợ lý, thực hiện nhiệm vụ trực ban 24/24 giờ tại trung tâm. Sau bữa ăn tối nhanh chóng tại nhà bếp cơ quan, anh Thành lại vội vã về vị trí làm việc. Anh kể: “Những ngày trực thế này, điện thoại cá nhân hầu như không động đến, nhà cách trung tâm vài ki-lô-mét nhưng cũng không tranh thủ được giờ nào về nhà ăn bữa cơm với vợ con”. Bám máy 24/24 giờ, anh là người trực tiếp nhận thông tin báo cáo tình hình những vụ việc từ các địa phương, vùng biển về trung tâm. Vì thế, anh vừa phải nghe điện thoại, vừa quan sát các tàu cá được gắn chíp báo trên màn hình, ghi nhật ký và xử lý thông tin. Anh cho biết, trong ngày hôm nay, anh đã tiếp nhận và xử lý thông tin liên quan đến 15 vụ việc thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn. Đây là công việc đòi hỏi sự khẩn trương, chính xác khi xử lý thông tin nên trông anh khá căng thẳng. Anh chia sẻ: “Công việc vất vả là vậy nhưng tôi luôn tự nhủ phải khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao để chia sẻ, giúp đỡ trước những khó khăn, vất vả của bà con ngư dân và nhân dân vùng mưa lũ…”.

Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi và Đại tá Nguyễn Như Thành bất ngờ bị gián đoạn bởi anh phải xử lý gấp một công điện khẩn. Công điện cho biết, tại tọa độ 14o20N – 112o10E (Đông Nam cảng Kỳ Hà, Quảng Nam khoảng 215 hải lý), trên tàu QNa 90046 TS có 1 ngư dân bị tai biến, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, cần được cấp cứu kịp thời. Ngay lập tức, trung tâm đã tham mưu cho Văn phòng Ủy ban Quốc gia TKCN yêu cầu Trung tâm Phối hợp TKCN hàng hải khu vực 2 điều tàu SAR-412 đi cứu nạn. Đến 1 giờ 30 phút ngày 18-8, tàu SAR-412 đã tiếp cận được tàu QNa 90046 TS và cấp cứu kịp thời, bảo đảm an toàn tính mạng cho ngư dân.

Theo Thiếu tướng Trương Đức Nghĩa, Ủy viên Thường trực, Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia TKCN Việt Nam, Cục trưởng Cục Cứu hộ, Cứu nạn-Bộ Quốc phòng, thì phẩm chất và cũng là yêu cầu bắt buộc đối với những cán bộ, nhân viên, chiến sĩ làm công tác TKCN cũng như cán bộ, nhân viên Trung tâm Quốc gia điều hành TKCN là phải đề cao trách nhiệm cá nhân, luôn lo lắng, day dứt trước những mất mát về tính mạng và tài sản của nhân dân. Cùng với đó phải nhạy cảm về chính trị, có kiến thức chỉ huy, tuân thủ các nguyên tắc quản lý Nhà nước và nguyên tắc chỉ huy của quân đội, có phương pháp xử lý, giải quyết sự việc khẩn trương, quyết đoán và chính xác, kịp thời. Câu chuyện về bồi đắp phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, nhân viên trung tâm cũng được Đại tá Trần Văn Kim phân tích thấu đáo. Anh cho biết, những năm qua, cùng với việc bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, trung tâm luôn đặc biệt chú ý việc rèn đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, nhân viên. Theo anh, thực hiện nhiệm vụ TKCN chỉ đôi chút lơ là, chậm trễ, thiếu trách nhiệm thì hậu quả sẽ khôn lường.

Không chỉ chờ đợi vào những báo cáo từ các đơn vị, địa phương trên địa bàn cả nước, các anh còn chủ động nắm tình hình thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để triển khai những biện pháp giải quyết. Chính vì vậy mà nhiều vụ việc đã được giải quyết kịp thời, cứu sống được tính mạng của người dân và giảm bớt được nhiều thiệt hại cho địa phương.

Nhờ nắm chắc kỹ năng giải quyết sự cố với tinh thần trách nhiệm cao, 8 tháng vừa qua, Trung tâm Quốc gia điều hành TKCN đã tham mưu chính xác để các lực lượng TKCN khắc phục nhanh chóng, hiệu quả 1.989 vụ thiên tai, tai nạn, sự cố trên địa bàn toàn quốc. Tiêu biểu như các vụ việc: Lật tàu du lịch trên sông Hàn (Đà Nẵng); tìm thi thể du khách người Anh mất tích; sập ngôi nhà số 43 phố Cửa Bắc (Hà Nội)…, giảm tối đa thiệt hại về người và tài sản của nhân dân. Có thể nhận thấy những cống hiến thầm lặng của cán bộ, nhân viên Trung tâm Quốc gia điều hành TKCN đã góp phần tô thắm thêm hình ảnh cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ giữa thời bình. Sự nỗ lực, cố gắng ấy cũng là điểm tựa vững chắc để bà con ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, người dân trên mọi miền Tổ quốc yên tâm lao động sản xuất.

Bài và ảnh: HẢI LÝ