QĐND – Đợt mưa lũ trong ngày 23 và 24-6 đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Hôm qua (25-6), các tỉnh miền núi phía Bắc tiếp tục có mưa to. Trước tình hình trên, quân đội đã huy động hơn 40.000 cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ tích cực cùng với chính quyền các địa phương giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai. Các đơn vị quân đội cũng đã dùng các phương tiện chuyên dụng để đưa thí sinh nơi bị ngập lũ đi thi…

Tập trung thông đường, tìm kiếm người mất tích

Theo thông tin từ Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai (PCTT), tính đến chiều 25-6, mưa lũ và sạt lở đất trong 2 ngày qua ở các tỉnh miền núi phía Bắc đã làm 14 người chết, 11 người mất tích, 7 người bị thương, 67 ngôi nhà bị lũ cuốn trôi, sụp đổ; 379 ngôi nhà hư hỏng, di dời khẩn cấp, 769 nhà bị ngập nước; 485,2ha lúa và 357ha hoa màu bị ngập; 87 con gia súc bị chết; 3 cầu treo, 3 cầu bê tông nhỏ của tỉnh Lai Châu bị lũ cuốn trôi… Tổng thiệt hại về vật chất khoảng 110,6 tỷ đồng.

Mưa lũ còn khiến các tuyến đường quốc lộ 4D đoạn K71-Km85 xã Sơn Bình, huyện Tam Đường; Quốc lộ 32 từ Km356-Km378; Quốc lộ 279 đoạn Km162+200; Quốc lộ 4H đoạn Km190-Km354; Quốc lộ 4C đoạn Km62-Km67 bị sạt lở nặng nề gây ách tắc giao thông. Một số tuyến đường tỉnh lộ thuộc Lai Châu bị sạt lở còn gây tắc nghẽn giao thông: Tỉnh lộ 127 đoạn Km0-Km55; Tỉnh lộ 128 đoạn Km0-K20; Tỉnh lộ 129B đoạn K0+450; Tỉnh lộ 136 Km13+000 và Km19-Km21; Tỉnh lộ 133 đoạn Km2-K72; Tỉnh lộ 134 đoạn Km5-K45. (HOÀNG XUÂN)

*Trước tình hình mưa lũ gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho các tỉnh miền núi phía Bắc, sáng 25-6, Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT đã tổ chức cuộc họp bàn giải pháp ứng phó. Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho hay: Lượng mưa những ngày qua không đều, mưa lớn, cục bộ tập trung chủ yếu về đêm và sáng ở một nơi, cụ thể lượng mưa lớn xảy ra ở huyện Nậm Giàng (tỉnh Lai Châu) là 386mm, huyện Bắc Quang (tỉnh Hà Giang) 335mm. Dự báo, mưa lớn còn tiếp diễn trong ngày 26-6, đến ngày 27-6 mưa sẽ giảm dần. Ngoài ra, ở TP Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) có thể xảy ra mưa lớn. Cảnh báo về nguy cơ lũ, lũ quét, sạt lở đất xảy ra ở các địa phương thuộc các tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hà Giang, Cao Bằng, Yên Bái, Lào Cai.

Các lực lượng chức năng của huyện Tam Đường khắc phục hậu quả do cơn Lũ dự đi qua tại trang trại nuôi cá nước lạnh của gia đình nhà ông Dương Ngọc Hưng tại bản Chu Va 12, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường. Ảnh: TTXVN

Phát biểu kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Trường Sơn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục PCTT, Phó chánh văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT đề nghị các bộ, ngành và chính quyền các địa phương cần thực hiện nghiêm công điện của Thủ tướng Chính phủ ngày 24-6. Tập trung cứu chữa người bị thương, tìm kiếm người mất tích, thăm hỏi các gia đình có người bị thiệt mạng. Cùng với đó, cần tăng cường thông tin, cảnh báo đến người dân về mưa, lũ để chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại. (PHÚC THÁI )

Bộ Quốc phòng chỉ đạo các đơn vị tích cực giúp dân 

Ngày 25-6, Bộ Tổng Tham mưu có Điện số 19/TK gửi các đơn vị gồm: Bộ tư lệnh Quân khu 1, 2 và Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng. Để chủ động giúp cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, Bộ Tổng Tham mưu yêu cầu các đơn vị thường xuyên cập nhật, nắm chắc tình hình mưa lũ, có biện pháp bảo đảm an toàn cho bộ đội khi tham gia các hoạt động trong vùng mưa lũ; kịp thời tham mưu, điều động lực lượng, phương tiện giúp cấp ủy, chính quyền và nhân dân tìm kiếm người mất tích, hỗ trợ sơ tán nhân dân ra khỏi vùng bị sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt; hỗ trợ vận chuyển nước sạch, lương thực và hàng hóa thiết yếu cho nhân dân, không để người dân bị đói, khát.

Căn cứ tình hình thực tế, chỉ đạo các đơn vị phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và ngành Giáo dục-Đào tạo, chủ động sử dụng phương tiện, trang bị phù hợp để chuyên chở các cháu học sinh trong khu vực bị ngập lụt, sạt lở chia cắt đến các địa điểm tham dự kỳ thi trung học phổ thông quốc gia bảo đảm an toàn. Cùng với đó, Bộ Tổng Tham mưu cũng yêu cầu các đơn vị duy trì nghiêm chế độ ứng trực, sẵn sàng điều động lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó, xử lý các sự cố về hồ đập, đê kè và cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống… (KHÁNH THỦY)

*Thực hiện chỉ đạo của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng Tham mưu, lúc 10 giờ ngày 25-6, Cục Cứu hộ-Cứu nạn thành lập tổ công tác trực tiếp đi Lai Châu để phối hợp với Quân khu 2 chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục lũ quét, sạt lở đất gây ra. Cũng trong chiều cùng ngày, Bộ tư lệnh Quân khu 2 tổ chức đoàn công tác do đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Hồng Thái, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng trực tiếp chỉ huy đến hiện trường chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả. Trong ngày 25-6, 40.018 cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang (bộ đội: 4.190, DQTV: 35.828) và 290 phương tiện các loại tham gia giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ. (ĐIỆP HÀ)

*Trước diễn biến mưa lũ và sạt lở đất gây thiệt hại đến tính mạng và tài sản của người dân, Bộ CHQS tỉnh Lai Châu đã tổ chức lực lượng có mặt tại các địa bàn trọng yếu tham gia giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ. Tham gia giải phóng hơn 1.000m3 đất đá sạt lở từ km 11 đến km 15 thuộc quốc lộ 4D đoạn qua xã Sơn Bình, huyện Tam Đường; km 356 thuộc quốc lộ 32, đoạn qua bản Noong Thăng, xã Phúc Than, huyện Than Uyên; tìm kiếm nạn nhân mất tích tại bản Nậm Há 1, xã Noong Hẻo, huyện Sìn Hồ; giải phóng hơn 500m3 đất đá trên quốc lộ 32, đoạn qua bản Phiêng Phát (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên); tìm kiếm người mất tích, san ủi đất đá, giải phóng điểm sạt lở tại xã Noong Hẻo (huyện Sìn Hồ)… Bộ CHQS tỉnh đã huy động 10 chuyến xe, 102 cán bộ, chiến sĩ lực lượng thường trực, 185 cán bộ, chiến sĩ DQTV tham gia giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ; hướng dẫn, vận động nhân dân các vùng trọng yếu, có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất di dời đến địa điểm an toàn. (TRỊNH HỒNG HẢI)

Cứu trợ khẩn cấp người dân các tỉnh bị ảnh hưởng 

Sáng 25-6, trước tình hình mưa lũ tại các tỉnh miền núi phía Bắc, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã quyết định trích từ quỹ cứu trợ khẩn cấp để kịp thời hỗ trợ những gia đình bị thiệt hại về người và tài sản tại 2 tỉnh Hà Giang và Lai Châu với số tiền 250 triệu đồng tiền mặt (Hà Giang 100 triệu đồng, Lai Châu 150 triệu đồng). Cũng trong sáng 25-6, Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội đã chuyển 50 triệu đồng thông qua Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam để kịp thời trợ giúp các gia đình bị thiệt hại về người và tài sản. Thường trực Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cử đoàn công tác về các tỉnh để trực tiếp cứu trợ, thăm hỏi những gia đình bị thiệt hại. Đồng thời Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam chỉ đạo Hội Chữ thập đỏ các tỉnh miền núi phía Bắc tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết và tình hình thiên tai để kịp thời có phương án hỗ trợ địa phương, trước mắt sẽ hỗ trợ tiền mặt để Hội Chữ thập đỏ địa phương hỗ trợ thăm hỏi bà con. Ngay khi giao thông thông suốt, các phương tiện có thể di chuyển được, Hội chữ thập đỏ các tỉnh sẽ tổ chức đoàn cứu trợ hàng hóa, bộ dụng cụ sửa nhà, thùng hàng gia đình, bảo đảm nước sạch cho bà con vùng lũ. (CÙ HƯƠNG)

Thủy điện Lai Châu, Sơn La vận hành cửa xả điều tiết chống lũ

Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, để điều tiết mực nước hồ chứa Thủy điện Lai Châu không vượt quá mực nước dâng bình thường (cao trình 295m), bảo đảm vận hành an toàn hồ đập, lúc 13 giờ ngày 25-6, Công ty Thủy điện Sơn La đã vận hành cửa xả điều tiết chống lũ. Tùy theo lưu lượng nước về hồ, Công ty Thủy điện Sơn La tính toán mở từ 1 tới 5 cửa xả mặt và 2 cửa xả đáy; tổng lưu lượng xả qua đập lớn nhất là 8.342m3/s; trong đó lưu lượng qua tuabin khoảng 1.600 m3/s, qua tràn khoảng 6.832m3/s. Công ty Thủy điện Sơn La đã sớm có thông báo với chính quyền các tỉnh Lai Châu, Điện Biên; Ban Chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn các địa phương vùng thượng và hạ lưu đập Thủy điện Lai Châu để phối hợp bảo đảm an toàn cho người dân và các công trình, thiết bị. (NAM TRỰC)

Nỗ lực khắc phục mạng lưới viễn thông 

Tổng công ty Viễn thông Viettel cho biết, khi nhận được thông báo về nguy cơ mưa lũ trên địa bàn các tỉnh miền núi phía Bắc, Viettel đã chủ động chuẩn bị tại chỗ xăng dầu, máy phát điện, vật tư thiết bị, dụng cụ và bố trí gần 30 đội kỹ thuật tại các vị trí có thể bị chia cắt, sẵn sàng cơ động khắc phục sự cố. Ngoài lực lượng địa phương, Viettel còn triển khai gần 15 đội từ các tỉnh lân cận khác, sẵn sàng tiếp ứng, hỗ trợ khi cần thiết.

Do ảnh hưởng nặng nề của mưa lũ, mạng lưới Viettel cũng bị gián đoạn tại một số địa bàn như các huyện: Mường Tè, Sìn Hồ, Tân Uyên (tỉnh Lai Châu), huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên). Nguyên nhân chủ yếu do mất điện. Các vị trí bị chia cắt gây khó khăn cho đội ngũ kỹ thuật tiếp cận để ứng cứu thông tin.

Hiện nay, lực lượng kỹ thuật Viettel vẫn đang nỗ lực khôi phục hạ tầng mạng lưới và dịch vụ, bảo đảm nhu cầu thông tin liên lạc cho người dân và phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn tại các tỉnh trên. (QUỲNH DƯƠNG)