Cân hệ giải pháp mang tính chiến lược, toàn diện

Sau khi các tỉnh miền Trung nước ta liên tục phải hứng chịu thiên tai, trên diễn đàn Quốc hội và các cuộc họp của Chính phủ, cả Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ đều trăn trở, chỉ đạo quyết liệt phải sớm tìm ra nguyên nhân, giải pháp hiệu quả nhất để phòng tránh thiệt hại do lũ quét, sạt lở.

Tại phiên họp tổ ngày 2-11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng về lâu dài Chính phủ phải chỉ đạo rà soát các kịch bản biến đổi khí hậu để điều chỉnh, nâng cao chất lượng dự báo cảnh báo, đánh giá nguy cơ tổn thương thiên tai mang lại để dự kiến nguồn lực ứng cứu, lồng ghép nội dung phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch và chiến lược phát triển của năm 2021 và của cả giai đoạn 5 năm tới. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị nhanh chóng quy hoạch sắp xếp dân cư ra khỏi khu vực nguy cơ chịu ảnh hưởng của lũ quét, sạt lở đất; phải có chương trình di dân ra khỏi vùng thiên tai, không để lặp lại những trường hợp như Trà Leng, Rào Trăng 3. Trên cơ sở ý kiến của Quốc hội, Chính phủ phải chủ động thực hiện và hằng năm ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương phải chú ý nhiệm vụ này.

Bài 3: Giải pháp nào chiến đấu với kẻ thù “giấu mặt”?

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Quochoi.vn

Đây cũng là chủ đề làm nóng diễn đàn Quốc hội trong suốt các phiên thảo luận và chất vấn, trả lời chất vấn đầu tháng 11. Các đại biểu đều lo lắng, kiến nghị phải có những giải pháp ở tầm chiến lược cùng với những biện pháp cấp bách, cụ thể.

Chiều ngày 6-11, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đề xuất 9 nhóm nhiệm vụ giải pháp lớn mang tính thực tiễn cao trong thời gian tới, bao gồm: Tiếp tục hoàn thiện thể chế liên quan đến phòng, chống thiên tai; tập trung xây dựng các nghị định hướng dẫn Luật Phòng, chống thiên tai. Rà soát lại các kịch bản biến đổi khí hậu để từ đó làm cơ sở xây dựng các phương án ứng phó với thiên tai. Tập trung xây dựng chiến lược phòng, chống thiên tai giai đoạn 2021-2030; xây dựng các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch đô thị, quy hoạch tỉnh gắn với ứng phó biến đổi khí hậu và chống phòng, chống thiên tai. Đặc biệt, các địa phương cần xây dựng các bản đồ cảnh báo khu vực có nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất nguy hiểm với tỷ lệ thích hợp. Theo Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, vấn đề này đã được chỉ đạo, được triển khai, nhưng mới chỉ xây dựng được bản đồ với tỷ lệ lớn, chưa xác định chính xác các điểm nguy hiểm để sơ tán dân. Trên cơ sở bản đồ, sẽ quy hoạch, phân bổ lại, bố trí lại dân cư và có những chủ trương đầu tư để đảm bảo an toàn cho người dân. Đồng thời xây dựng hệ thống cảnh báo sớm để kịp thời sơ tán khẩn cấp trước khi có sạt lở đất, lũ quét như kinh nghiệm của Nhật Bản, Hoa Kỳ…

Bài 3: Giải pháp nào chiến đấu với kẻ thù “giấu mặt”?

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu 9 giải pháp lớn trong phòng chống thiên tai thời gian tới. Ảnh: Chinhphu.vn

Quan điểm “phòng cao hơn chống” cũng rất phù hợp với kinh nghiệm quốc tế. Chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam, ông Yasuhiro Taraka, Chuyên gia của tổ chức JICA, Cố vấn quản lý rủi ro thiên tai của Nhật Bản đã chia sẻ về các biện pháp Nhật Bản đang sử dụng để ứng phó với sạt lở đất. Theo ông, Nhật Bản do độ dốc lớn, 70% diện tích trên độ cao nên thường xuyên xảy ra sạt lở đất và lũ quét. Nhật Bản đã cố gắng ngăn chặn ngay từ đầu không để xảy ra sạt lở dựa vào 3 yếu tố: Dữ liệu lịch sử ở khu vực đó, mạng lưới quan trắc lượng mưa tại một khu vực cụ thể (tính được độ bão hòa trong đó) kết hợp với phân tích địa chất, địa hình để đưa ra cảnh báo, từ đó có phương án di dời dân ngay lập tức.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân:  Cần rà soát các kịch bản biến đối khí hậu để điều chỉnh, nâng cao chất lượng dự báo cảnh báo, đánh giá nguy cơ tổn thương thiên tai mang lại để dự kiến nguồn lực ứng cứu, lồng ghép nội dung phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch và chiến lược phát triển.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Chính phủ đã xây dựng 9 nhóm giải pháp phòng chống thiên tai, trong đó, tập trung xây dựng chiến lược phòng, chống thiên tai giai đoạn 2021-2030.

Quỹ phòng, chống thiên tai: Mô hình hay sao chưa làm hiệu quả?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lâm Thành (Đoàn Lạng Sơn) cho rằng: Cần sớm xây dựng chương trình tổng thể về ổn định dân cư, sắp xếp, di dời, bố trí dân cư các vùng, các điểm nguy hiểm có nguy cơ cao về lũ ống, lũ quét, sạt lở đất và nhất là đối với các vùng núi. Điều chỉnh lại mục tiêu, nội dung chính sách và bổ sung nguồn lực, chương trình bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao chất lượng rừng, đẩy mạnh chính sách cấp bù gạo cho người dân ở các vùng núi cao, vùng đầu nguồn xung yếu gắn với trách nhiệm bảo vệ rừng. Chính sách này vừa qua đã được thực hiện. Tuy nhiên, trên thực tế quy mô còn ít, hiệu quả chưa thực sự cao. Ba nội dung trên cần được bố trí vào kế hoạch ngân sách 2021-2025.

Đặc biệt, theo ông Thành, phải huy động và sử dụng có hiệu quả Quỹ phòng, chống thiên tai đã được luật định. Tuy nhiên, theo thông tin báo cáo, nguồn quỹ này vận hành và hoạt động chưa tốt sau 6 năm thực hiện. Mới có 60 tỉnh lập quỹ với tổng thu là 3.500 tỷ, chỉ chi 1.808 tỷ đồng, còn dư 1.692 tỷ đồng, là con số rất lớn so với nhu cầu thực tế hiện nay.

“Tình trạng nơi thu, nơi không thu, tỉnh thu được nhiều, tỉnh thu được ít và nhiều địa phương thì không chi một đồng nào cho nội dung này, trong khi đó nhu cầu rất lớn là tình trạng khá phổ biến. Cá biệt, có tỉnh là tâm điểm của vùng thiên tai, bão lũ nhưng không lập quỹ. Quốc hội đã thông qua chủ trương về huy động nguồn lực cho công tác phòng, chống thiên tai nhưng chưa thực sự đi vào cuộc sống. Vướng mắc ở đâu, ở hành lang pháp lý, những quy định về quy trình, thủ tục, cơ chế quản lý thực hiện quá phức tạp hay thiếu sự quan tâm của địa phương trong công tác chỉ đạo thực hiện. Điều này đặt ra câu hỏi về công tác quản lý nhà nước, liệu các bộ, ngành, địa phương đã thực sự vào cuộc đối với công tác này hay chưa?”, Đại biểu Nguyễn Lâm Thành đặt câu hỏi.

Bản đồ cảnh báo, chờ đến bao giờ?

Ông Trần Quang Hoài, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống Thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa tiết lộ một thông tin đáng buồn: Đề án “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam” triển khai theo Quyết định 351/QĐ-TTg ngày 27-3-2012 của Thủ tướng Chính phủ đã trải qua chặng đường 8 năm với mục tiêu đến năm 2020 là xây dựng được bản đồ cho 37 tỉnh thành phố có nguy cơ sạt lở cao. Thế nhưng đến nay, kết quả chưa đạt được 50%, mới chỉ xây dựng được cho 15 tỉnh, thành phố song cũng chỉ là bản đồ tỷ lệ 1/50.000. Với tỷ lệ này thì chỉ cảnh báo được đến cấp xã, chưa thể đáp ứng yêu cầu phòng chống.

Bài 3: Giải pháp nào chiến đấu với kẻ thù “giấu mặt”?
Cần nâng cao chất lượng và độ phân giải bản đồ dự báo các vùng có nguy cơ sạt lở đất và lũ quét. Ảnh: Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia.

Về vấn đề này, ông Lê Quang Hùng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết thêm: “Hiện nay chúng ta đã có bản đồ về lũ ống, lũ quét, sạt lở đất nhưng tỷ lệ không cao, khoảng 1/20.000 hoặc 1/50.000 nên trong bản đồ này xã chỉ là một chấm nhỏ. Cần phải làm được bản đồ tỉ lệ 1/500 thì mới quản lý được”.

PGS, TS Phạm Hữu Sy, Chuyên gia Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng phân tích: Bản đồ cảnh báo trượt lở cũng giúp ta nhận thức được về trượt, nhưng nó không giúp dự báo được thời điểm xảy ra thiên tai. Đó là một khoảng trống chưa lấp được. Nếu dự báo được trượt thì mới có thể tránh được tai họa. Phải đầu tư nghiên cứu để có bản đồ dự báo trượt lở đất cho toàn bộ lãnh thổ Việt Nam”.

Quy hoạch xây dựng, di dời dân cư

Qua chuyến khảo sát các tỉnh miền Trung, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng và đoàn công tác lưu ý, khi làm nhà hay công trình, cần tránh làm gần khe tụ thủy, nghiên cứu xây dựng kè chặn dòng chảy đối với các công trình lớn, đông dân cư; quan tâm hơn đến bản đồ dự báo khu vực sạt lở và cần đưa vào hồ sơ quy hoạch xây dựng.

Bài 3: Giải pháp nào chiến đấu với kẻ thù “giấu mặt”?
Việc xây dựng các công trình và khu dân cư phải tính toán tới các kịch bản đối phó với lũ quét và sạt lở đất. Trong ảnh: Khu vực sạt lở tại Đoàn KT-QP 337, Quân khu 4. Ảnh: Sơn Trình

Về giải pháp quy hoạch đối với các vùng sạt lở, ông Nguyễn Thành Hưng, Phó viện trưởng Viện Quy hoạch Đô thị và nông thôn Quốc gia cho biết: “Trước đây, chúng ta đề cập đến khảo sát lựa chọn địa điểm xây dựng nhưng chỉ quan tâm đến ngập lụt và độ dốc. Giờ phải quan tâm đến bản đồ cảnh báo các khu vực nguy cơ sạt lở và đưa vào hồ sơ quy hoạch. Những căn cứ đưa vào bản đồ dự báo sẽ là nền tảng quyết định lựa chọn khu đất xây dựng. Bên cạnh đó, việc khảo sát đánh giá mức độ an toàn trước thiên tai không chỉ dừng lại ở một khu vực mà cần tiến hành sâu hơn ở các điểm dân cư nhỏ lẻ; thậm chí là các công trình đơn lẻ, đặc biệt đối với các vùng miền núi có độ dốc lớn”.

Rừng và thủy điện nhỏ: Cần giải pháp căn cơ, thực chất

Các nhà khoa học và quản lý đã minh chứng, lũ lụt, sạt lở có nhiều nguyên nhân, không phải chỉ do phá rừng và làm thủy điện nhỏ. Nhưng cũng không thể phủ nhận những hệ lụy, nguyên nhân sâu xa từ chặt phá rừng và quản lý thủy điện nhỏ chưa tốt.

Tại kỳ họp Quốc hội đầu tháng 11-2020, nhiều đại biểu Quốc hội đã phê phán gay gắt những con số báo cáo đẹp về tỷ lệ trồng rừng cao nhưng thực chất chất lượng rừng, rừng tự nhiên không còn nhiều.

Bài 3: Giải pháp nào chiến đấu với kẻ thù “giấu mặt”?
Cần mở rộng quy mô và tăng chất lượng rừng phòng hộ và khôi phục rừng tự nhiên. Ảnh: Anh Tần

Theo TS Trịnh Xuân Hòa, Phó viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường), để phòng chống hiệu quả sạt lở đất, chúng ta cần tiến hành phủ xanh đồi núi trọc bằng việc trồng rừng phòng hộ, khôi phục rừng tự nhiên (không trồng rừng để khai thác).

Đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) phân tích: Hàng chục ngàn hecta rừng đầu nguồn mất đi, chỉ tiêu phấn đấu về độ che phủ rừng hằng năm đều tăng. Nhưng điều đó không nói được nhiều về chất lượng, khả năng giữ đất, giữ nước, sức chống chịu thiên tai khi mà diện tích rừng tự nhiên, rừng phòng hộ ngày một giảm đi. Phần lớn các vùng bị lũ dữ, sạt lở đất, ngoài những yếu tố về địa chất thì phần lớn xảy ra ở những nơi đồi núi trọc, rừng nghèo, tỷ lệ rừng giàu tự nhiên rất thấp, mất rừng, mất đất tất yếu, mất khả năng điều tiết. Nếu Chính phủ không kiên quyết chỉ đạo tiếp tục tổng rà soát, đánh giá đầy đủ thực trạng rừng hiện nay, đặc biệt về chất lượng rừng, khả năng thực tế về độ che phủ, tình hình phát triển các dự án thủy điện nhỏ, nhất là khu vực miền Trung – Tây Nguyên để có các giải pháp căn cơ và lâu dài về môi trường, về khả năng chống chịu mưa bão, lũ lụt như vừa qua.

Bài 3: Giải pháp nào chiến đấu với kẻ thù “giấu mặt”?
Các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ cũng một phần san lũ thời gian qua, nhưng cần có chiến lược phát triển và sử dụng hiệu quả hơn nữa để vừa tận dụng được nguồn tài nguyên tự nhiên, cũng như giảm thiểu các mối nguy cơ lũ lụt, sạt lở đất. Trong ảnh: Khu vực nhà máy thủy điện Rào Trăng 3. Ảnh: Tuấn Sơn.

Thêm những giải pháp công trình, mô hình nhà vượt lũ

Trong 9 nhóm giải pháp được Chính phủ quan tâm hiện nay, có một nội dung cũng mang tính thực tiễn cao. Đó là tiếp tục đầu tư chương trình nhà vượt lũ, nhà chống lũ của các tỉnh duyên hải miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận. Chính phủ đã đề nghị Quốc hội bố trí cụ thể nguồn lực trong trung hạn 2021- 2025 để triển khai thực hiện.

Bài 3: Giải pháp nào chiến đấu với kẻ thù “giấu mặt”?

Hình ảnh một số ngôi nhà chống lũ tại Tân Hóa (Quảng Bình) trong đợt mưa lũ đang diễn ra. Ảnh: Dự án Nhà chống lũ

Thực tế trong đợt mưa lũ lịch sử vừa rồi, qua chuyến khảo sát điểm ngập úng, sạt lở các tỉnh miền Trung, đoàn công tác Bộ Xây dựng đã thấy được hiệu quả của mô hình này. Trong khi hàng nghìn ngôi nhà bị ngập úng, hư hỏng tài sản thì cũng có hàng nghìn hộ gia đình tự chủ được chỗ trú ẩn an toàn, bảo vệ được tính mạng và tài sản khi sớm xây dựng được những căn nhà chống lũ.

Ông Hà Quang Hưng, Phó cục trưởng Cục quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết: Từ năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung tại các tỉnh Nghệ An và Quảng Bình. Nhờ thế, vừa qua đã có hàng vạn hộ dân an toàn trong cơn lũ lịch sử. Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với các địa phương đánh giá hiệu quả mô hình nhà chống lũ, bão lụt để từ đó đề xuất nhân rộng mô hình theo hướng mở rộng đối tượng thụ hưởng, tăng mức hỗ trợ Nhà nước.

Ngoài Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng, hiện nay cũng đang có Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” do Quỹ khí hậu xanh tài trợ thông qua Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (gọi tắt là Dự án GCF-UNDP) được thực hiện trong 5 năm (từ 2017-2021) tại 7 tỉnh gồm: Nam Định, Thanh Hóa, Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Cà Mau. Trong dự án này cũng có hợp phần Hỗ trợ xây nhà chống chịu bão, lụt.

Ông Lê Văn Sơn, Phó chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) chia sẻ, huyện Lệ Thủy có nhiều vùng xung yếu, dễ ngập lụt; mô hình nhà vượt lũ tuy mang lại hiệu quả nhưng chỉ phục vụ cho một số cá nhân, gia đình. Do đó địa phương rất cần được hỗ trợ xây dựng nhà vượt lũ cộng đồng với quy mô lớn, sức chứa nhiều người thì việc chạy lũ sẽ đảm bảo an toàn hơn, di chuyển nhanh và thuận tiện hơn.

Bài 3: Giải pháp nào chiến đấu với kẻ thù “giấu mặt”?
Một căn nhà chống lũ tại miền Trung. Ảnh: Dự án Nhà chống lũ

Giáo sư Trần Thục, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn, Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu cho biết: Đối với thiên tai lũ quét, sạt lở đất, các giải pháp công trình tập trung vào nghiên cứu và xây dựng các đập ngăn bùn đá (đập Sabo) và các công trình phụ trợ tại các khu vực có nguy cơ cao và tập trung dân cư. “Chúng tôi đã nghiên cứu và nhận thấy đập Sabo giữ trực tiếp đất đá và cây cối bị cuốn trôi theo dòng nước lũ, làm yếu đi sức chảy của dòng bùn đất. Đập này được áp dụng rộng rãi ở Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Áo…Tuy nhiên, mô hình này còn ít được áp dụng thử nghiệm ở Việt Nam” – Giáo sư Trần Thục nói.

Nâng cao nhận thức, sự cảnh giác của người dân

Một trong những nhiệm vụ cấp thiết là cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, giáo dục kỹ năng sống, khả năng ứng phó, thích nghi của người dân với thiên tai và biến đổi khí hậu. Các hoạt động tập huấn, hướng dẫn người dân về cách thức, phương án đối phó khi thảm họa thiên tai xảy ra để sống chung với sạt lở, lũ quét: Phản ứng kịp thời khi nhận được cảnh báo; sẵn sàng di dời tới nơi an toàn trong các tình huống khẩn cấp…

Ông Lê Thanh Hải, Tổng thư ký Hội Khí tượng Thủy văn Việt Nam cho rằng: Tất cả các cảnh báo dù có tốt và chuẩn xác sẽ không có giá trị, nếu không được người dân ở chính nơi xảy ra lũ quét, sạt lở đất, khu vực chịu thiên tai tiếp cận được. Do đó, cần có các hoạt động tập huấn, hướng dẫn người dân về cách, phương án đối phó khi thảm họa thiên tai xảy ra.

Bài 3: Giải pháp nào chiến đấu với kẻ thù “giấu mặt”?
Tại các khu vực có nhiều nguy cơ lũ quét và sạt lở đất, việc thông tin kịp thời, nâng cao nhận thức của người dân về mối hiểm họa là rất quan trọng. Trong ảnh: Một điểm dân cư xã Phước Sơn (Quảng Nam) bị cô lập do sạt lở đất. Ảnh: Tiến Dũng.

Báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, trong đợt mưa lũ vừa qua, Ban chỉ đạo đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các nhà mạng gửi tin nhắn đến 25,8 triệu thuê bao để ứng phó với bão và mưa lũ. Bộ Thông tin và truyền thông cũng đã chỉ đạo các cơ quan tăng cường tuyên truyền qua mạng xã hội. Trang Fanpage Thông tin phòng chống thiên tai có hơn 57.000 người theo dõi. Trang Zalo Phòng chống thiên tai có hơn 730.000 lượt xem. Đây cũng là một kênh thông tin hiệu quả, kịp thời để người dân khu vực thiên tai nhận được cảnh báo và có sự chuẩn bị để phòng tránh.

Cũng cần có biện pháp kiên quyết với những người dân không tuân thủ theo hướng dẫn của lực lượng chức năng tại các khu vực xảy ra thiên tai, lũ lụt. Trong một cuộc họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai ứng phó với tình hình mưa lũ miền Trung, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã kể lại một câu chuyện kèm lời cảnh báo: Cẩn thận bao nhiêu vẫn thiếu mà chủ quan một tý cũng thừa!”. Vụ việc 2 vợ chồng anh L.T.Q. ở Quảng Nam trên đường đi ăn cưới về nhà thì bị nước lũ cuốn trôi là một trong những ví dụ điển hình về sự chủ quan. Hôm đó, trên đường về nhà, tới đoạn nước chảy xiết, dù lực lượng chức năng địa phương chốt đã cảnh báo, không cho người và phương tiện qua lại, nhưng vợ chồng anh Q. vẫn tìm cách lội bộ qua đoạn ngập nước. Khi đi được một đoạn, hai vợ chồng không may bị nước lũ cuốn trôi…

Bài 3: Giải pháp nào chiến đấu với kẻ thù “giấu mặt”?
Các công trình chống sạt lở cần được xây dựng đồng thời với khu vực dân cư, kinh tế-xã hội để giảm thiểu mối nguy cơ do thiên tai gây ra. Ảnh: Baonghean.

Mới đây nhất, chiều 6-11, tại xã Bình Chương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cũng xảy ra vụ việc hai người đàn ông bị nước cuốn trôi, khiến một người mất tích khi cố vượt qua đoạn đường bị nước ngập sâu, bất chấp sự ngăn cản của lực lượng chốt chặn và người dân ở gần khu vực này.

Cần rà soát ngay công tác thông tin, tuyên truyền theo các loại hình khác nhau; hướng dẫn cho người dân biết cách phòng ngừa thiên tai; tăng cường các hoạt động lực lượng xung kích. Cần tăng cường lượng phủ sóng trên khu vực miền núi; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng, chống thiên tai.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị): Chỉ tiêu phấn đấu về độ che phủ rừng hằng năm đều tăng nhưng điều đó không nói được nhiều về chất lượng, khả năng giữ đất, giữ nước, sức chống chịu thiên tai khi mà diện tích rừng tự nhiên, rừng phòng hộ ngày một giảm đi.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lâm Thành (Đoàn Lạng Sơn): Quỹ phòng, chống thiên tai đã được luật định nhưng sau 6 năm thực hiện mới có 60 tỉnh lập quỹ với tổng thu là 3.500 tỷ đồng, chỉ chi 1.808 tỷ đồng, còn dư 1.692 tỷ đồng. Nhiều địa phương thì không chi một đồng nào cho nội dung này. Cá biệt, có tỉnh là tâm điểm của vùng thiên tai, bão lũ nhưng không lập quỹ.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường: “Cẩn thận bao nhiêu vẫn thiếu mà chủ quan một tý cũng thừa!”.