QĐND Online – Chiều 24-7, Cục Cứu hộ- Cứu nạn, Bộ Tổng Tham mưu cho biết: Vào lúc 7 giờ 30 ngày 24-7, Bộ Quốc phòng có Điện 27/TK chỉ đạo: Bộ tư lệnh các quân khu: 1, 2, 3, 4; Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Quân chủng Hải quân, Quân chủng Phòng không – Không quân, Bộ tư lệnh Cảnh sát biển, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội; các quân đoàn: 1, 2, 3; Binh chủng Công binh triển khai lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó với cơn bão số 4.
Trong ngày, Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu thông báo, kiểm đếm và hướng dẫn cho 64.894 phương tiện với 265.147 người biết diễn biến, hướng di chuyển của bão số 4 để chủ động di chuyển, vòng tránh, thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm và có biện pháp bảo đảm an toàn.
Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh giúp ngư dân chằng néo tàu thuyền trước khi cơn bão số 2 đổ bộ vào đất liền. Ảnh: qdnd.vn
Các đơn vị quân đội đã sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó bão số 4, cụ thể: Về lực lượng sẵn sàng huy động 444.651 người, trong đó có 20.043 cán bộ, chiến sĩ, 201.743 dân quân tư vệ. Về trang bị các đơn vị sẽ sẵn sàng huy động 3.202 phương tiện (Tàu 07, xuồng 708, ô tô 929, xe đặc chủng 47, xe lội nước 47) và 160.794 trang bị các loại để thực hiện nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra.
* Sáng 24-7, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Hoàng Văn Thắng chủ trì cuộc họp khẩn của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai ứng phó bão số 4.Theo nhận định chung, chiều tối 25-7 mưa và gió hoàn lưu bão số 4 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến một số tỉnh ven biển Bắc Trung bộ từ Thanh Hóa đến Quảng Bình. Bão số 4 lượng mưa và cường độ không mạnh như bão số 2 nhưng tốc độ di chuyển nhanh hơn.
Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng: Không được chủ quan trong việc ứng phó với bão.
Trên cơ sở nhận định hướng di chuyển của bão, các thành viên Ban chỉ đạo cho rằng, nhiệm vụ trọng tâm hiện nay là tập trung kêu gọi tàu, thuyền di chuyển hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Đại tá Lê Thanh Sơn, Phó tham mưu trưởng Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, để ứng phó bão số 4, Bộ đội Biên phòng các tỉnh từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa đã kêu gọi và hướng dẫn hơn 61.000 phương tiện, với 249.000 người biết hướng di chuyển của bão để chủ động di chuyển hoặc thoát khỏi vùng nguy hiểm. Các lực lượng và phương tiện đã sẵn sàng tham gia ứng phó bão khi có yêu cầu. Nhất là thông báo hướng dẫn cho 415 tàu đang hoạt động trong khu vực nguy hiểm ở quần đảo Hoàng Sa.
Cũng theo Đại tá Lê Thanh Sơn, hiện lực lượng Bộ đội biên phòng đang duy trì 8.555 cán bộ, chiến sĩ và 214 phương tiện, tổ chức bắn pháo hiệu ở 37 điểm. Bão số 4 hiện nay ít di chuyển nên đang tập trung lực lượng theo dõi giám sát và thông báo cho 415 tàu với hơn 3.000 người đang hoạt động trong khu vực nguy hiểm ở quần đảo Hoàng Sa.
Kết luận cuộc họp, Phó trưởng ban Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Hoàng Văn Thắng nêu rõ, bão số 4 được dự báo không phải cơn bão mạnh, nhưng cần phân tích kỹ về ảnh hưởng vì bão số 4 được dự báo đổ bộ vào đúng khu vực bão số 2 đã đổ bộ. Rút kinh nghiệm trong cơn bão số 2, phải đặc biệt lưu ý nơi neo đậu tàu thuyền, tránh trường hợp đáng tiếc như vụ tàu vận tải lớn chở than lật, chìm tại Nghệ An gây thiệt hại lớn về người và việc tàu của ngư dân chìm trong nơi neo đậu. Các địa phương theo dõi sát diễn biến bão, tập trung kêu gọi tàu thuyền tìm nơi trú tránh an toàn hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm. Xem xét lệnh cấm biển trước khi bão đổ bộ đất liền. Mưa của hoàn lưu bão số 4 mặc dù không lớn nhưng không chủ quan trong đảm bảo an toàn các hồ, đập nhất là hồ chứa thủy lợi vừa và nhỏ ở khu vực Bắc Trung bộ. Đồng thời đảm bảo an toàn hạ du trong thời điểm các hồ chứa thủy điện ở phía Bắc đang xả lũ.
Theo Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng, khu vực bão đổ bộ có nhiều hồ chứa. Các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh có hơn 1.300 hồ chứa lớn, vừa và nhỏ, vì vậy nguy cơ cao về an toàn hồ chứa. Đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo theo sát hồ thủy điện Hố Hô vì dung tích trữ kém nếu mưa lớn hoặc cục bộ rất nguy hiểm. Ngoài ra các hồ chứa nhỏ đã gặp sự cố do mưa thời gian trước đây nên tổ chức trực theo dõi hồ chứa phải đảm bảo.
* Đóng 1 cửa xả đáy hồ thủy điện Sơn La và Hòa Bình: Hiện lượng mưa ở khu vực 2 hồ này đã giảm, lưu lượng nước về các hồ thủy điện Sơn La (mực nước hồ Sơn La đang ở cao trình 200,8m) và hồ Hòa Bình (mực nước hồ ở cao trình 105,1m) giảm so với lưu lượng xả và xả qua phát điện, ngày 24-7, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai đã có Công điện số 30 yêu cầu Công ty Thủy điện Sơn La, Hòa Bình đóng 1 cửa xả đáy từ 18 giờ ngày 24-7. Đồng thời yêu cầu 2 công ty này tiếp tục theo dõi diễn biến lưu lượng nước về hồ, mực nước ở thượng lưu và hạ lưu đập, kịp thời thông tin về Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT và các cơ quan chức năng để có quyết định điều hành phù hợp trong thời gian tới theo tình hình thực tế.