QĐND – Trước diễn biến phức tạp của tình hình thời tiết cực đoan, Trung tâm Quốc gia điều hành tìm kiếm cứu nạn (TKCN), Cục Cứu hộ-Cứu nạn, Bộ Tổng tham mưu (BTTM) đã duy trì nghiêm chế độ trực, kịp thời tham mưu với lãnh đạo, chỉ huy Cục Cứu hộ-Cứu nạn, giúp Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng (BQP) và BTTM về chỉ đạo, điều động lực lượng, phương tiện thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai (PCTT), TKCN, góp phần làm giảm thiệt hại do thiên tai gây ra.
Chúng tôi có mặt tại Trung tâm Quốc gia điều hành TKCN đúng vào dịp đơn vị đang duy trì chế độ trực theo dõi để tham mưu với chỉ huy cấp trên chỉ đạo các lực lượng trong toàn quân ứng phó với các cơn bão đi vào miền Trung. Thượng tá Nguyễn Ngọc Sơn, Chỉ huy trưởng trung tâm cho biết: Thời gian qua, trung tâm đã chủ trì, phối hợp với các phòng nghiệp vụ, giúp chỉ huy cục tổ chức duy trì kíp trực thường xuyên theo quy định của Tổng Tham mưu trưởng, chỉ thị, mệnh lệnh cấp trên và ý định của chỉ huy cục. Nắm chắc tình hình các sự cố, thiên tai và TKCN, cũng như công tác phòng thủ dân sự (PTDS). Phân tích đánh giá tình hình, tham mưu cho lãnh đạo, chỉ huy các cấp chỉ đạo ứng phó kịp thời mọi tình huống xảy ra. Chủ trì, phối hợp với Cơ quan Thường trực PCTT, TKCN và PTDS các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị theo dõi tình hình xử lý, ứng phó các sự cố, thiên tai và thảm họa theo chỉ đạo của BTTM, BQP và lãnh đạo Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai (ƯPSC, TT) và TKCN, Ban Chỉ đạo PTDS; đồng thời phối hợp với cơ quan chức năng cung cấp thông tin, chia sẻ công nghệ, dữ liệu phục vụ công tác chỉ huy, điều hành ƯPSC, TT, TKCN và PTDS. Phối hợp với các cơ quan báo chí trong và ngoài quân đội tổ chức tuyên truyền các hoạt động về ƯPSC, TT, TKCN, PTDS, bảo đảm kịp thời, hiệu quả.
![]() |
Kíp trực tại Trung tâm Quốc gia Điều hành Tìm kiếm Cứu nạn, Cục Cứu hộ – Cứu nạn (Bộ Tổng tham mưu). |
Trung tâm Quốc gia điều hành TKCN đã phát huy tốt vai trò là cơ quan tham mưu, giúp lãnh đạo, thủ trưởng cấp trên và các bộ, ngành, địa phương tổ chức lực lượng, phương tiện ứng trực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ƯPSC, TT, TKCN. Những năm qua, trung tâm tham mưu điều động hàng triệu lượt người, hàng trăm nghìn lượt phương tiện, xử lý kịp thời, có hiệu quả các tình huống, góp phần giảm thiệt hại thấp nhất về tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân, trong đó có cả người và phương tiện của nước ngoài. Điển hình như các vụ: Cháy tàu Vancouver của nước ngoài năm 2019; cháy rừng tại các tỉnh miền Trung, Quân khu 4; vụ cháy tại Công ty cổ phần bóng đèn, phích nước Rạng Đông… Gần đây nhất là công tác PCTT, TKCN tại các tỉnh miền Trung. Cùng với đó, trung tâm còn tích cực tham mưu đề xuất với chỉ huy cục, BTTM, chỉ đạo các đơn vị trong toàn quân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19… Từ đầu năm 2020 đến nay, Trung tâm Quốc gia Điều hành TKCN đã tham mưu cho lãnh đạo cục chỉ đạo, điều động hơn 98.500 lượt cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ và gần 2.260 lượt phương tiện quân sự, tham gia cứu nạn hiệu quả 1.274 vụ, cứu được 1.300 người…
Để nâng cao năng lực tham mưu giúp Đảng ủy, chỉ huy Cục và BTTM chỉ đạo, điều hành, thực hiện hiệu quả công tác ƯPSC, TT, TKCN, Thượng tá Nguyễn Ngọc Sơn khẳng định: Tiếp tục quán triệt, nắm vững các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, trọng tâm là Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XI) về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Mặt khác, đẩy mạnh việc bồi dưỡng, trau dồi kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn, khả năng nắm bắt tình hình và nghiên cứu, dự báo cho đội ngũ cán bộ các cấp, bảo đảm tham mưu đúng, trúng, kịp thời trên từng mặt công tác được giao. Trong điều kiện thời tiết cực đoan và diễn biến phức tạp, cùng với việc tham mưu cho Ủy ban Quốc gia ƯPSC, TT, TKCN và BQP chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương và đơn vị điều chỉnh, bổ sung các kế hoạch, phương án ứng phó trên từng khu vực. Kiện toàn tổ chức biên chế ngành cứu hộ, cứu nạn toàn quân và tập trung nghiên cứu, tham mưu về xây dựng các kế hoạch dài hạn, trung hạn trên lĩnh vực TKCN. Đề xuất một số giải pháp phòng, chống đối với các thảm họa lớn, như: Siêu bão, động đất, sập đổ công trình,… không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
Bài, ảnh: HÀ KHÁNH