Quỹ Phòng thủ dân sự đã được quy định trong dự thảo Luật PTDS, đó là quỹ của Nhà nước, nằm ngoài ngân sách.

Đây là một loại quỹ được tạo nên từ nguồn xã hội hóa; là một nguồn lực bổ sung quan trọng góp phần tăng sức mạnh tổng hợp cùng với nguồn lực con người, cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ cho hoạt động PTDS. Quỹ PTDS còn mang ý nghĩa kịp thời, giải quyết khẩn cấp thảm họa, sự cố. Tính chất kịp thời, bổ sung của Quỹ PTDS trong ứng phó với thảm họa, sự cố đã được Khoản 4, Điểm c của điều luật trên chỉ rõ: “Hỗ trợ cho các hoạt động phòng thủ dân sự mà ngân sách nhà nước chưa đầu tư hoặc chưa đáp ứng yêu cầu”.

Quỹ Phòng thủ dân sự: Hỗ trợ người dân vượt qua thiên tai, dịch bệnh, sự cố

 Huấn luyện cứu người gặp nạn trên sông do thiên tai, bão lũ. Ảnh: QUANG THIỆN

Mục đích của Quỹ PTDS nhằm hỗ trợ hoạt động v, ưu tiên trực tiếp hỗ trợ kịp thời cho người dân khi gặp thiên tai, sự cố, dịch bệnh, gồm cứu trợ khẩn cấp cho người dân về lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh và các nhu cầu cấp thiết khác. Cùng với đó là hỗ trợ người dân tu sửa cơ sở hạ tầng. Qua đây cho thấy rõ, mục đích của Quỹ PTDS được sử dụng phục vụ cho đối tượng là người dân gặp thiên tai, thảm họa, sự cố một cách kịp thời, khi ngân sách nhà nước chưa kịp đáp ứng hoặc đáp ứng chưa đủ yêu cầu. Quy định về mục đích sử dụng của Quỹ PTDS như vậy là rõ ràng, minh bạch, tránh sử dụng không đúng mục đích; đồng thời đây này là căn cứ pháp lý để kiểm tra, thanh tra, xử lý sai phạm trong các hoạt động chi tiêu tài chính của Quỹ PTDS.

Nguồn tài chính xây dựng nên Quỹ PTDS, được quy định cụ thể trong Điều 44 của dự thảo Luật PTDS, do hai cấp tổ chức xây dựng quỹ, đó là: Ở cấp Trung ương, nguồn tài chính được huy động từ hỗ trợ, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài và điều tiết từ các quỹ khác ngoài ngân sách có liên quan đến thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, môi trường thuộc phạm vi quy định của Luật PTDS. Ở cấp tỉnh, nguồn tài chính xây dựng quỹ bao gồm hỗ trợ, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; điều tiết từ Quỹ PTDS Trung ương và các quỹ ngoài ngân sách cấp tỉnh có liên quan đến thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, môi trường theo quy định của Luật PTDS.

Quỹ Phòng thủ dân sự: Hỗ trợ người dân vượt qua thiên tai, dịch bệnh, sự cố
Bộ đội Sư đoàn 3 (Quân khu 1) vận chuyển các suất ăn phục vụ điểm cách ly do Covid-19 tại Bắc Giang. Ảnh: SONG SƠN

Về nguyên tắc hoạt động của Quỹ PTDS, tại Khoản 4, Điều 44 dự thảo Luật PTDS quy định cụ thể nguyên tắc hoạt động của Quỹ PTDS là: a) Không vì mục đích lợi nhuận; b) Quản lý, sử dụng đúng mục đích, đúng pháp luật, kịp thời, hiệu quả, bảo đảm công khai, minh bạch; c) Hỗ trợ cho các hoạt động PTDS mà ngân sách nhà nước chưa đầu tư hoặc chưa đáp ứng yêu cầu. Khoản 5 xác định rõ trách nhiệm của Chính phủ về việc quy định chi tiết việc thành lập, quản lý, sử dụng Quỹ PTDS; điều tiết từ các quỹ ngoài ngân sách có liên quan đến hoạt động PTDS.

Tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội Khóa XV vừa qua, dự thảo Luật PTDS đã được đưa ra thảo luận. Trong đó, nội dung Quỹ PTDS đã được nhiều đại biểu Quốc hội xuất phát từ đời sống thực tiễn, từ những thiên tai, thảm họa, sự cố đã xảy ra như bão lũ ở miền Trung, đại dịch Covid-19… trong tham luận, bày tỏ sự đồng tình với việc thành lập Quỹ PTDS là cần thiết, quan trọng, có ý nghĩa góp phần bảo đảm sự chủ động, linh hoạt về nguồn lực phục vụ cho hoạt động PTDS, ứng phó kịp thời trong tình trạng khẩn cấp để củng cố, sửa chữa các công trình hạ tầng; cứu trợ cấp thiết về lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh và các nhu cầu, thiết yếu, cấp thiết khác phục vụ cho đời sống của người dân khi có sự cố xảy ra…

Khi Luật PTDS được Quốc hội thông qua và đi vào thực tiễn, quy định về Quỹ PTDS trong sẽ có tính khả thi cao, mang ý nghĩa xã hội, nhân văn sâu sắc, góp phần tích cực, hiệu quả vào các hoạt động PTDS, ưu tiên hỗ trợ kịp thời cho người dân trong tình trạng khẩn cấp vượt qua thiên tai, thảm họa, sự cố, dịch bệnh khi xảy ra.

HÀ NGUYÊN