banner main
Trang chủ- Ứng phó với La Nina-Nhìn từ bão Yagi - Bài 1: Dị thường?

Ứng phó với La Nina-Nhìn từ bão Yagi - Bài 1: Dị thường?

Cập nhật lần cuối: 14/10/2024

Ứng phó với La Nina-Nhìn từ bão Yagi - Bài 1: Dị thường?

Cơn bão số 3 với tên gọi quốc tế Yagi, trước khi càn quét Việt Nam đã gây thiệt hại nặng nề tại Philippines, Trung Quốc. Từ khi bão chưa vào Biển Đông, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đã dự báo đây là cơn bão nguy hiểm, có tốc độ tăng cấp nhanh nhất lịch sử các cơn bão hoạt động trong Biển Đông với sức tàn phá vô cùng khó lường, diễn biến phức tạp, hiếm gặp. Với sức gió cực đại, Yagi được xếp vào loại siêu bão. Ngày 7-9-2024, bão đổ bộ vào Việt Nam, cụ thể là Quảng Ninh và TP Hải Phòng, rồi lan rộng ra nhiều tỉnh, thành phố ở miền Bắc, mang theo mưa lớn kéo dài, gió giật mạnh. Hoàn lưu bão số 3 tiếp tục gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản tại nhiều địa phương miền Bắc do lũ lụt, sạt lở đất.

Thực tế, từ giữa tháng 8-2024, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Mai Văn Khiêm đã đưa cảnh báo, theo dự báo của chuyên gia khí tượng, La Nina xuất hiện từ đầu tháng 9-2024 có thể làm gia tăng tần suất và cường độ của bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, đặc biệt trong giai đoạn cuối năm tại Việt Nam. Với kịch bản La Nina xuất hiện, phát triển và tác động đến nước ta đúng thời kỳ mùa mưa, bão sẽ khiến diễn biến thời tiết phức tạp, nguy hiểm, đặc biệt là các nguy cơ lượng mưa nhiều, lớn hơn bình thường ở nhiều khu vực, làm tăng nguy cơ lũ lụt, ngập lụt đô thị.

Những tác động mà cơn bão số 3 gây ra được cho chỉ là khởi đầu của những tác động mà La Nina có thể gây ra tại Việt Nam. Vậy làm thế nào để ứng phó với La Nina một cách hiệu quả, đặc biệt là ứng phó với những hình thái thời tiết cực đoan có khả năng gây thiệt hại về người và tài sản? Để tìm câu trả lời, Báo Quân đội nhân dân gửi tới độc giả loạt bài: “Ứng phó với La Nina - Nhìn từ bão Yagi”.

Ứng phó với La Nina-Nhìn từ bão Yagi - Bài 1: Dị thường?

-------------------***-------------------

Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan, nguyên Phó Phòng Dự báo, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết, cơn bão Yagi (siêu bão lớn nhất trong vòng 30 năm qua trên Biển Đông và 70 năm qua trên đất liền của Việt Nam) diễn ra trong giai đoạn chuyển pha từ ENSO (trung tính) sang pha La Nina (nước biển lạnh đi) bắt đầu từ tháng 9-2024. Tuy nhiên, theo bà Lan, sự chuyển pha này không phải là nguyên nhân khiến bão có cường độ mạnh và lũ lụt sau đó ảnh hưởng nhiều tỉnh miền Bắc. Lý do chính là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khiến La Nina có yếu tố dị thường, tác động mạnh hơn khiến bão cường độ mạnh, xảy ra dồn dập, mưa lớn lũ lụt, sạt lở xảy ra nghiêm trọng và kéo dài.

-------------------***-------------------

Ứng phó với La Nina-Nhìn từ bão Yagi - Bài 1: Dị thường?

Theo đánh giá của Viện Khoa học khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu Việt Nam, El Nino và La Nina là hai pha đối ngược của hiện tượng ENSO (viết tắt của các từ ghép El Nino Southern Oscillation - El Nino - Dao động Nam, để chỉ cả 2 hai hiện tượng El Nino và La Nina và có liên quan với dao động của khí áp giữa 2 bờ phía Đông Thái Bình Dương với phía Tây Thái Bình Dương - Đông Ấn Độ Dương được gọi là Dao động Nam) để phân biệt với dao động khí áp ở Bắc Đại Tây Dương), chỉ sự nóng lên/lạnh đi bất thường của nhiệt độ mặt nước biển tại khu vực xích đạo phía Đông và Trung tâm Thái Bình Dương.

Ứng phó với La Nina-Nhìn từ bão Yagi - Bài 1: Dị thường?

Chu kỳ của La Nina thường kéo dài hơn El Nino, theo số liệu quan trắc từ năm 1950, thời gian trung bình của một lần xuất hiện La Nina là 15,4 tháng, nhiều nhất 37 tháng, từ mùa xuân năm 1973 đến mùa xuân năm 1976.



PGS, TS Phạm Thị Thanh Ngà, Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu Việt Nam.

PGS, TS Phạm Thị Thanh Ngà, Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu Việt Nam, đánh giá ENSO là một trong những hiện tượng khí hậu quan trọng nhất trên trái đất do khả năng thay đổi hoàn lưu khí quyển quy mô lớn, từ đó ảnh hưởng đến nhiệt độ và lượng mưa trên toàn cầu. Nhưng sự ảnh hưởng sẽ khác nhau ở các khu vực về quy mô và thời gian.

El Nino và La Nina ảnh hưởng ngược nhau đến hệ thống hoàn lưu khí quyển, do vậy tác động đến thời tiết và khí hậu nước ta là khác nhau:

Trong thời kỳ El Nino, gió tín phong hai bán cầu yếu hơn; hoàn lưu Walker (mô hình khái niệm về luồng không khí ở vùng nhiệt đới trong tầng khí quyển thấp hơn (tầng đối lưu)) trên khu vực nhiệt đới suy yếu, vùng đối lưu trong hoàn lưu Walker dịch chuyển về phía trung tâm xích đạo Thái Bình Dương làm giảm mưa ở khu vực Việt Nam; gió mùa hoạt động yếu hơn.

Ngược lại trong thời kỳ La Nina, gió tín phong hai bán cầu hoạt động mạnh hơn; vùng đối lưu trong hoàn lưu Walker dịch chuyển về phía Tây vùng nhiệt đới Thái Bình Dương làm tăng cường đối lưu và mưa ở khu vực Việt Nam, gió mùa hoạt động mạnh hơn.

“Sự thay đổi hoàn lưu của khu vực rộng lớn không chỉ tác động đến nhiệt độ, mà còn cả lượng mưa, hoạt động của bão trên khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương nói chung và trên Biển Đông nói riêng, cũng như hoạt động của gió mùa trên khu vực, dẫn đến các hiện tượng thời tiết cực đoan, thiên tai (mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở…) và như vậy trực tiếp và gián tiếp ảnh hưởng đến hoạt động và sức khỏe con người, các hoạt động sản xuất kinh doanh, nông nghiệp, giao thông, du lịch…”, PGS, TS Phạm Thị Thanh Ngà nhận định.



Theo thống kê của Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), từ năm 1950 đến nay có tổng 19 đợt La Nina hoạt động trong đó La Nina điển hình đã xảy ra những năm gần đây như: 1998-2000, 2007-2008, 2010-2011 và 2020-2022. Các đợt La Nina gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan khiến Việt Nam thiệt hại nặng nề về người và của.

Có thể kể đến như rét đậm, rét hại kéo dài trong năm 2008 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp ở các tỉnh phía Bắc. Đợt rét năm 2010 đã có hàng nghìn ha cao su mất trắng, số thiệt hại về mạ là 9.500ha, về lúa là 146.150ha, ước tính thiệt hại xấp xỉ 200 tỷ đồng. Trong năm 2020, một trong những năm chịu ảnh hưởng của La Nina, cả nước có 16/22 loại hình thiên tai, với 14 cơn bão và áp thấp nhiệt đới; 120 trận lũ quét, sạt lở đất; 90 trận động đất; 265 trận dông, lốc, sét... làm 357 người chết và mất tích, tổng thiệt hại hơn 39.962 tỷ đồng.

Ứng phó với La Nina-Nhìn từ bão Yagi - Bài 1: Dị thường?

Bão số 3 gây thiệt hại lớn khi đổ bộ vào các tỉnh, thành phố miền Bắc.

Trong khi đó, vào năm 2021, cả nước có 18/22 loại hình thiên tai, với 12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông; 258 trận dông, lốc, mưa lớn; 310 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất; 191 vụ sạt lở bờ sông, bờ biển; 14 đợt gió mạnh, sóng lớn trên biển và 2 đợt nắng nóng diện rộng. Thiên tai năm 2021 đã làm 108 người chết, mất tích, 95 người bị thương; ước tính thiệt hại hơn 5.200 tỷ đồng. Đối với năm 2022, cả nước đã xảy ra 21/22 loại hình thiên tai (trừ sóng thần), với 9 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông. Mưa lớn kéo dài ở miền Bắc đã gây sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, ngập lụt đô thị, khu công nghiệp (tháng 4, 5, 6).

Tại khu vực miền Trung, liên tiếp 3 cơn bão đổ bộ và mưa lũ sau bão gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, trong đó, bão số 4 (Noru) đạt cường độ mạnh nhất, cấp 14-15, giật cấp 17, gần đạt cấp siêu bão trên Biển Đông gây nhiều thiệt hại. Thiên tai năm 2022 đã làm 175 người chết, mất tích, thiệt hại về kinh tế gần 19.500 tỷ đồng.

Ứng phó với La Nina-Nhìn từ bão Yagi - Bài 1: Dị thường?

Hoàn lưu bão số 3 gây sạt lở đất tại khu vực miền núi phía Bắc. Trong ảnh: Điểm sạt lở đất tại xóm Lũng Lỳ, xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng.

Gần đây nhất, thiệt hại mà cơn bão số 3 gây ra đặc biệt nghiêm trọng. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bão số 3 đã làm 344 người chết, mất tích (318 người chết, 26 người mất tích), 1.976 người bị thương; 281.966 nhà bị hư hỏng, tốc mái; 112.034 nhà bị ngập; 284.472ha lúa và 61.114ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại; 39.188ha cây ăn quả bị ảnh hưởng, hư hại; 189.982ha rừng bị thiệt hại; 35.029ha và 11.832 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; 44.174 con gia súc, 5.604.587 con gia cầm bị chết. Bão số 3 và mưa lũ sau bão cũng gây thiệt hại nhiều đến cơ sở hạ tầng: Hệ thống điện, viễn thông, đường giao thông… Tổng thiệt hại kinh tế ước tính ban đầu hơn 80.000 tỷ đồng; tác động sang chấn tâm lý nặng nề cho nhiều người dân tại khu vực thiên tai, nhất là trẻ em, người cao tuổi, đối tượng dễ bị tổn thương.

Ứng phó với La Nina-Nhìn từ bão Yagi - Bài 1: Dị thường?

Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan, nguyên Phó phòng dự báo, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết, siêu bão Yagi diễn ra trong giai đoạn chuyển pha từ ENSO (trung tính) sang pha La Nina (nước biển lạnh đi) bắt đầu từ tháng 9. Tuy nhiên, theo bà Lan sự chuyển pha này không phải là nguyên nhân bão có cường độ mạnh và lũ lụt sau đó ảnh hưởng nhiều tỉnh miền Bắc hiện nay. Lý do chính là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khiến La Nina có yếu tố dị thường, tác động mạnh hơn khiến bão cường độ mạnh, xảy ra dồn dập, mưa lớn lũ lụt, sạt lở xảy ra nghiêm trọng và kéo dài.

Ứng phó với La Nina-Nhìn từ bão Yagi - Bài 1: Dị thường?Sự tàn phá khủng khiếp của hiện tượng thời tiết La Nina thông qua các loại hình thời tiết cực đoan như dông, bão, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét.

Yếu tố tác động mạnh, dị thường của La Nina được chuyên gia khí tượng giải thích, do ảnh hưởng biến đổi khí hậu làm bầu khí quyển nóng lên mà nhiều người gọi là sự ấm lên toàn cầu. Bầu khí quyển nóng lên làm nước biển tăng nhiệt độ.

Theo Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan, nước biển chỉ cần tăng 0,5 độ C là đủ điều kiện cung cấp nguồn năng lượng khiến các cơn bão có cường độ mạnh hơn. Bầu khí quyển nóng cũng làm thay đổi hoàn lưu, khiến các khối không khí hoạt động mạnh hơn hoặc không theo quy luật của khí hậu, dẫn tới các hiện tượng thời tiết cực đoan. Biến đổi khí hậu là yếu tố chính khiến các hình thái thời tiết bất thường kéo dài các pha từ El Nino, Enso và La Nina khiến thiên tai như mưa bão, lũ lụt, hạn hán, rét buốt, xâm nhập mặn... ngày càng diễn biến phức tạp, dữ dội, kéo dài hơn.

Ứng phó với La Nina-Nhìn từ bão Yagi - Bài 1: Dị thường?

Nguyên Phó phòng dự báo, Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cảnh báo trong những tháng cao điểm mưa bão tại Việt Nam từ tháng 9 đến tháng 11-2024, có thể xảy ra 2 - 3 cơn bão trong một tháng. Bão lũ có thể kéo dài đến đầu năm 2025 ảnh hưởng chủ yếu ở miền Bắc và miền Trung. Vào cuối năm, Nam Trung Bộ và Nam Bộ có thể chịu ảnh hưởng trực tiếp của ít nhất một cơn bão. Do địa hình ở miền Bắc có nhiều đồi núi, dốc, lòng sông rộng và kéo dài, cùng với nhiều hồ thủy điện nên tình hình mưa lũ, nhất là lũ quét, lũ ống rất phức tạp, ảnh hưởng lớn người dân.

La Nina có thể làm gia tăng tần suất, cường độ của bão và áp thấp nhiệt đới, đặc biệt là trong giai đoạn cuối năm. Từ nay đến hết năm 2024 trên Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng 8 - 10 cơn bão/áp thấp nhiệt đới; trong đó có 4 - 5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam, nguy cơ tác động đến hoạt động tàu thuyền và nuôi trồng thủy sản ven biển.

Bên cạnh đó, hiện tượng dông lốc ở đất liền và trên biển, mưa lớn cực đoan gây ngập úng đô thị sẽ xuất hiện nhiều hơn, gây ảnh hưởng đến hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.

Ứng phó với La Nina-Nhìn từ bão Yagi - Bài 1: Dị thường?

Thiệt hại do thiên tai là không thể đong đếm và cần những biện pháp ứng phó tổng thể và phù hợp.

  • Ứng phó với La Nina-Nhìn từ bão Yagi - Bài 1: Dị thường?
  • Nội dung: NHÓM PHÓNG VIÊN
  • Ảnh: Báo Quân đội nhân dân, CTV
  • Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC


Nguồn bài viết: Báo QĐND

© ỦY BAN QUỐC GIA ỨNG PHÓ SỰ CỐ THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN


Địa chỉ : Số 6 - đường Sân Gôn - tổ 15 - Phường Phúc Đồng - quận Long Biên - Thành Phố Hà Nội.

Điện thoại: 024 37333664.

Fax: 024 37 33384.

Email: banbientap@tkcn.gov.vn.

Bản quyền thuộc ỦY BAN QUỐC GIA ỨNG PHÓ SỰ CỐ THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông Tin Điện Tử Ủy Ban Quốc Gia Ứng Phó Sự Cố Thiên Tai Và Tìm Kiếm Cứu Nạn" hoặc "www.tkcn.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ các nguồn này.